IDE – Góp sức bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt

Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (Tên viết tắt là IDE) được Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thành lập tháng 8/2013. Trung tâm có chức năng nghiên cứu, ứng dụng nhằm phát triển bền vững doanh nghiệp nhỏ và vừa; thông tin, tư vấn, đào tạo và chuyển giao KHCN. Với tiêu chí hoạt động “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, ngay từ khi thành lập, IDE đã xây dựng các đề án nghiên cứu về phát triển bền vững. Ngoài “Quy trình xác thực chống hàng giả” – một sáng chế hoàn toàn mới trong lĩnh vực công nghệ số 4.0,  IDE còn hai sáng chế khoa học đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ hợp lệ.

Báo cáo kết quả nghiên cứu ứng dụng “Quy trình xác thực chống giả” tại Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản 

Sáng chế mới trong lĩnh vực công nghệ số 4.0

Theo bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển, năm 2014, thực hiện kế của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã giao cho IDE nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp chống giả, truy xuất nhận diện hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng. Sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả” của IDE đã được ra đời như vậy.

“Quy trình xác thực chống hàng giả” là một hệ sinh thái đa chức năng, bao gồm một phần mềm Check VN ứng dụng trên điện thoại Smarphone, một cổng thông tin lưu giữ các thông tin bảo mật check.net.vn và một con tem Qr Code có chức năng chống giả bao gồm nhiều lớp, kết nối trực tiếp nhà sản xuất với người tiêu dùng, giúp nhà sản xuất bảo vệ thương hiệu; giúp người tiêu dùng truy xuất liên tiếp nhiều bước miễn phí để biết được nguồn gốc sản phẩm hàng hóa chính hãng.

Sau hai năm thẩm định, ngày 30/9/2016, Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp Bằng độc quyền sáng chế số 16036 cho Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển, trong đó bảo hộ 4 điểm và điểm thứ nhất là một quy trình gồm 17 bước để thiết lập hệ thống minh bạch thông tin về truy xuất hàng hóa.

Quy trình đã được nhận Giải thưởng khoa học sáng tạo Việt Nam Vifotech năm 2015; được dùng làm công cụ thực hiện Chương trình bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc theo kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngày 8/8/2016, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã công bố tiêu chuẩn TCCS: 01/2016/VINASME cho quy trình. Tính mới, tính sáng tạo, độ an toàn, chính xác, bảo mật của quy trình không chỉ được Nhà nước cấp bằng độc quyền SHTT về công nghệ, mà còn được nhiều đơn vị có chức năng, trong đó có ngành Công an thẩm định và đánh giá. Tới thời điểm hiện tại “Quy trình xác thực chống hàng giả” đã được thành phố Hà Nội và 14 tỉnh, thành phố hưởng ứng, tuyên truyền và áp dụng.

Đồng hành cùng người tiêu dùng

Giám đốc Phạm Thị Lý không giấu niềm vui: Những ngày đầu năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về việc duy trì và phát triển Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã Qr truy xuất nguồn gốc hàng hóa trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, 100% sản phẩm hàng hóa trong chuỗi nông sản an toàn tới năm 2020 sẽ được Hà Nội áp dụng “Quy trình xác thực chống giả” để truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Về bản chất, đây là một quy trình xử lý thông tin gồm 17 bước kết nối nhà sản xuất với người tiêu dùng khiến đối tượng thứ 3 không thể xâm nhập. Khi áp dụng “Quy trình xác thực chống hàng giả”, Hà Nội sẽ có một hệ thống minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa, kết nối cung cầu đầu tiên trên thế giới, có phát minh bản quyền về công nghệ và giải pháp an ninh thương mại điện tử và an ninh Logistics. Khi tham gia Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc hàng hóa của thành phố Hà Nội, doanh nghiệp không chỉ tự quản trị được dòng hàng, makerting chăm sóc khách hàng, bảo vệ thương hiệu mà còn được kết nối với người tiêu dùng thông qua Hệ thống thông tin điện tử Check.net.vn. Hệ thống check.net.vn của “Quy trình xác thực chống hàng giả” là một hệ sinh thái ngoài chức năng xác thực còn có đầy đủ các tính năng của một sàn thương mại điện tử có một giải pháp công nghệ bảo mật hàng đầu về truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Khi hệ thống đi vào hoạt động, người tiêu dùng sẽ có một địa chỉ tin cậy được chính quyền thành phố Hà Nội đồng quản lý để lựa chọn và mua sắm online mà không phải lo lắng về hàng không rõ nguốn gốc.

Là đơn vị được Hà Nội giao nhiệm vụ xây dựng và duy trì, phát triển Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc hàng hóa của Hà Nội, IDE đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương, Yở Y tế, Sở Thông tin – Truyền thông, các quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố để tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

“Quy trình xác thực chống hàng giả là một sáng chế hoàn toàn mới trong lĩnh vực công nghệ số 4.0. Điều khó nhất của chúng tôi trong thời gian qua là làm thế nào để chính quyền, người dân, doanh nghiệp hiểu được tính mới, tính sáng tạo, giá trị kinh tế xã hội khi ứng dụng giải pháp vào thực tiễn. Nhờ đào sâu nghiên cứu, sáng tạo khoa học, xử lý triệt để các yếu tố phát sinh, trực diện giải quyết vấn đề bức xúc và cần thiết của doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng, nên chúng tôi đã vượt qua được khó khăn thử thách. Việc Hà Nội và các thương hiệu lớn như Khóa Việt Tiệp, Petrolimex, Fivimart… ứng dụng sáng chế vào thực tiễn là một động viên lớn lao đối với chúng tôi. Cùng đó, hằng năm được nhận nhiệm vụ thường niên từ Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một vinh dự thôi thúc chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”, bà Lý chia sẻ.

IDE – đổi mới sáng tạo để không tụt hậu

Năm 2018 là năm thứ 5 IDE được thành lập và có thể đây sẽ là một năm đáng nhớ trong sáng tạo khoa học của IDE. Giám đốc Phạm Thị Lý và các cộng sự đang chờ đợi kết quả thẩm định của hai sáng chế khoa học mới mà IDE đang triển khai thực hiện. Nếu thành công, cuối năm nay IDE sẽ được đón nhận thêm hai bằng sáng chế độc quyền về công nghệ, trong đó có một sáng chế về phát triển nông nghiệp bền vững. Khi ứng dụng sáng chế này vào sản xuất nông nghiệp cùng với “Quy trình xác thực chống hàng giả”, người Việt Nam sẽ vượt qua nhiều nước trên thế giới và khu vực về một phương pháp sản xuất và quản lý nông nghiệp công nghệ số thời đại 4.0.

Kế thừa kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp truyền đời của người Việt, học hỏi công nghệ sinh học hiện đại trong sản xuất nông nghiệp sinh học của thế giới, được sự giúp đỡ của  một số nhà khoa học Việt Nam, IDE đã chế tạo thành công dòng chế phẩm sinh học Bio EM 5in1 giúp sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, bảo vệ môi trường và cạnh tranh tốt về giá thành.

Giám đốc Phạm Thị Lý tâm sự: “ Nghiên cứu của chúng tôi sẽ góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Đặc biệt, tôi mong trong thời gian tới có nhiều sáng chế khoa học của người Việt Nam được ghi danh trên Công báo sở hữu trí tuệ. Chỉ có đổi mới sáng tạo và ứng dụng KHCN vào thực tiễn chúng ta mới không bị tụt hậu”.

Bình luận của bạn