Khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt

Trong bối cảnh hàng hóa ngoại nhập đang ồ ạt vào thị trường nội địa, thì nhiều vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra liên quan đến doanh nghiệp (DN) Việt, khiến người tiêu dùng suy giảm niềm tin vào hàng nội. Vậy đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã, đang và sẽ phải làm gì để giữ chân người tiêu dùng, củng cố vị thế hàng Việt tại thị trường nội địa? 

Báo SGGP đã có cuộc trao đổi bàn tròn với các DN nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 về vấn đề này. 

PHÓNG VIÊN: Làm thế nào để củng cố niềm tin của người tiêu dùng với hàng Việt?

Bà LÊ THỊ THANH LÂM, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Saigon Food: Chất lượng hàng hóa sản xuất là yếu tố quyết định giữ chân người tiêu dùng. Chất lượng sản phẩm không chỉ được tạo ra và duy trì trong thời gian ngắn mà phải lâu dài, ổn định. Đây cũng chính là bảo chứng để DN có thể phát triển bền vững và có chỗ đứng chắc chắn trên thị trường.

Muốn làm được điều này, đòi hỏi lãnh đạo DN phải có chữ Tâm và chữ Tín trong hoạt động sản xuất. Chữ Tâm thể hiện trách nhiệm, đạo đức của chủ DN với những gì mình sản xuất, cung ứng cho thị trường, cho cộng đồng. Chữ Tâm cũng thể hiện trách nhiệm với những người lao động, gắn bó đồng hành cùng sự phát triển của DN. Còn chữ Tín sẽ giúp DN kiến tạo vị thế trên thị trường, trong mắt đối tác, cộng đồng, từ đó tạo cơ sở để phát triển bền vững, lâu dài. 

Ông CHÂU BÁ LONG, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên: Ở góc độ DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chữ Tín còn thể hiện ở chỗ DN phải luôn đảm bảo chất lượng theo như cam kết với khách hàng trong suốt quá trình hợp tác. Chất lượng ở đây không chỉ là chất lượng sản phẩm mà còn bao hàm cả chất lượng dịch vụ.

Chất lượng dịch vụ cung ứng cũng góp phần quyết định vị thế của DN trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chất lượng dịch vụ thể hiện ở sự tương tác giao tiếp với khách hàng, quy trình thương thảo, tư vấn cho khách hàng giải pháp tối ưu, quá trình vận chuyển giao nhận hàng hóa, khả năng xử lý tình huống khi có phát sinh… Tất cả đòi hỏi sự chuyên nghiệp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và quản lý vận hành, cũng như định hướng phát triển đúng đắn của DN.

Vậy các DN nhìn nhận như thế nào về việc hàng loạt DN Việt bị phát hiện có hành vi gian lận trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ trên thị trường vừa qua?

Bà LÊ THỊ THANH LÂM: Những trường hợp bị phát hiện vi phạm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vừa qua đa phần là các DN nhỏ lẻ, kinh doanh theo kiểu chụp giật, chạy theo lợi nhuận trước mắt. Với quan điểm của cá nhân tôi thì Chính phủ nên có những biện pháp xử lý thật kiên quyết, mạnh tay để tránh tình trạng con sâu làm rầu nồi canh.

Quan trọng hơn, việc xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm sẽ ngăn được những DN vẫn còn manh nha ý định làm ăn gian dối, gây hại đến sức khỏe của cộng đồng. Đồng thời, củng cố niềm tin người tiêu dùng vào hệ thống cơ quan chức năng trong việc loại bỏ DN kinh doanh thiếu đạo đức, cũng như tạo dư địa phát triển cho những DN làm ăn chân chính. 

Ông CHÂU BÁ LONG: Trong thực tế luôn có tình trạng công ty khi chạy thử sản phẩm cho khách hàng thì rất tốt, những đơn hàng đầu tiên chất lượng cũng rất tốt, nhưng sau đó chất lượng giảm dần do thiếu sự tập trung và nghiêm túc trong quá trình sản xuất. Có thể nói, nếu những DN nào vẫn còn ý định kinh doanh như trên thì cũng nên xem xét lại, bởi chắc chắn sẽ không thể tồn tại và phát triển được.

Khẳng định vị thế doanh nghiệp Việt  ảnh 1

Chế biến thực phẩm tại Saigon Food. Ảnh: CAO THĂNG

 Doanh nhân cần phải làm gì để thương hiệu sản phẩm Việt trụ vững tại thị trường nội địa cũng như vươn tầm ra thế giới?

Ông NGUYỄN THÀNH NHÂN, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op): Với vai trò là hệ thống phân phối mang thương hiệu thuần Việt lớn nhất Việt Nam, Saigon Co.op đã xây dựng, thực hiện và phát triển chiến lược “nội địa hóa”, nhằm hỗ trợ mạnh mẽ các DN Việt trong công tác quảng bá và phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong nước, thông qua hệ thống siêu thị Co.opmart.

Theo đó, những DN được tham gia vào chuỗi cung ứng Saigon Co.op phải trải qua quá trình đánh giá năng lực, chất lượng sản phẩm. Những DN đó phải đáp ứng tiêu chí như sản xuất uy tín, hàng hóa chất lượng với nguồn cung cấp ổn định mới được lựa chọn đưa vào hệ thống siêu thị Co.opmart, phục vụ người tiêu dùng.

Dựa trên cơ sở đó, cho đến nay, qua 20 năm hình thành và phát triển, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã chiếm tỷ trọng 90% - 95% trong cơ cấu hàng hóa bày bán tại  hệ thống Co.op mart và Co.opmart vẫn chiếm lĩnh sự tin dùng của đại đa số người Việt. Điều này cho thấy, chất lượng hàng Việt cũng không thua kém hàng ngoại nhập. Vấn đề còn lại là người tiêu dùng cần tỉnh táo khi lựa chọn kênh phân phối sản phẩm uy tín. Có như vậy mới vừa giảm rủi ro khi sử dụng hàng hóa vừa triệt tiêu cơ hội đối với những DN làm ăn gian dối. 

Ông ĐÀO TRẦN NHÂN, Tham tán Công sứ Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ: Để có thể xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước trên thế giới, nhất là những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…, DN phải mất rất nhiều năm theo đuổi hoạt động cải tiến chất lượng sản xuất, sản phẩm. Và tùy theo loại sản phẩm mà phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí, chứng nhận liên quan do các nước nhập khẩu quy định, thì mới xuất khẩu được hàng hóa vào thị trường mong muốn.

Thế nhưng, nếu chỉ cần một lần làm ăn gian dối, DN sẽ có nguy cơ bị đóng cửa vĩnh viễn với thị trường xuất khẩu đó. Đơn cử như tại thị trường Mỹ, chỉ cần một lần hàng hóa DN bị phát hiện vi phạm quy định luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm của Mỹ, DN có nguy cơ bị cấm cửa vĩnh viễn với thị trường này.

Do vậy, trong bối cảnh thị trường các nước xuất khẩu ngày càng dựng lên rất nhiều rào cản kỹ thuật để giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng trong nước họ, thì lãnh đạo DN cũng cần phải thay đổi tư duy trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Chỉ có sản xuất chân chính, uy tín mới có thể có chỗ đứng trên thị trường.

 
Bình luận của bạn