Khi nông dân trở thành doanh nhân

Những năm qua, cùng với sự ra đời của hàng nghìn mô hình SXKD trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Tĩnh đã hình thành và phát triển được đội ngũ “doanh nhân - nông dân”. Họ là những giám đốc HTX kiểu mới, đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp xã viên, phát triển chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm...

Trưởng thành từ ruộng đồng

Hình ảnh bà Nguyễn Thị Nhâm - Giám đốc HTX Tiểu thủ công nghiệp và DVTM Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) xắn quần ống thấp, ống cao đến từng hộ dân trong xã thu gom sản phẩm hay gõ cửa từng cơ quan, công ty, xí nghiệp để kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho HTX đã trở nên quen thuộc đối với người dân xã Cẩm Thành.

Bà Nhâm cho biết, năm 2014, HTX đã tiên phong áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, như thuê ruộng sản xuất lúa chất lượng cao, dùng máy cấy Kubota (Nhật Bản) thí điểm để từng bước vận động các hộ dân tham gia với HTX. Qua 2 vụ sản xuất, HTX đã thuyết phục, vận động được 50 hộ liên kết sản xuất trên cánh đồng cùng một loại giống với diện tích 30 ha. Đến nay, HTX đã ký hợp đồng với 3 thôn, có 620 hộ tham gia sản xuất mô hình liên kết theo chuỗi với diện tích 94 ha được HTX cung ứng đầu vào, thu mua sản phẩm.

alt

Xã viên HTX Chế biến thủy, hải sản Trần Hạo phân loại, chế biến sứa.

Có thể kể ra rất nhiều những giám đốc HTX kiểu mới trong số 604 HTX kiểu mới được thành lập từ năm 2012 đến nay đã thành công trên con đường kinh doanh. Mỗi người có một cách làm, ngành nghề hoạt động khác nhau, nhưng hầu hết là những người trưởng thành từ nông dân.Phát huy lợi thế của vùng bãi ngang với hàng trăm ha mặt nước, ao hồ thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, chị Lê Thị Loan ở thôn Lâm Châu (xã Thạch Châu, Lộc Hà) đã vận động các hộ dân trong vùng cùng góp vốn, tài sản thành lập HTX Nuôi trồng, Chế biến hải sản Loan Hoan. Với 30 ha bãi bồi nuôi nghêu được tổ chức nuôi khoa học, bài bản, HTX đạt doanh thu hơn 4,5 tỷ đồng. Niềm vui lớn đối với chị Loan là hàng chục người dân ở vùng cát trắng Thạch Châu tham gia hoạt động dịch vụ HTX đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.

Đầu kéo thúc đẩy phát triển sản xuất vùng nông thôn

Những “doanh nhân - nông dân” hôm nay không chỉ đưa giống mới vào nuôi trồng, đầu tư thêm máy móc thiết bị, tạo việc làm cho xã viên và người dân trong vùng mà còn đứng ra tìm kiếm thị trường, liên kết DN bao tiêu sản phẩm, chủ động hội nhập với nền nông nghiệp mới, rộng lớn hơn sau lũy tre làng. Ông Trần Hạo - Giám đốc HTX Chế biến thủy, hải sản Trần Hạo (Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) cho biết, để sản phẩm sứa của HTX tiêu thụ được quanh năm và với giá cao, đích thân Giám đốc HTX phải tìm đến các đại lý, nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh để chào hàng và cung cấp theo yêu cầu từng thời điểm.

“Trước đây, sản xuất, chế biến xong, chờ thương lái đến mua nên thường bị ép giá. Nay, mình đã chủ động trong khâu tiêu thụ sản phẩm nên bà con xã viên cũng yên tâm hơn trong sản xuất” - ông Hạo nói.

Theo bà Nguyễn Thị Nhâm - Giám đốc HTX Tiểu thủ công nghiệp và DVTM Cẩm Thành, khi tham gia HTX, các xã viên được hưởng lợi từ việc HTX thu mua sản phẩm giá cao hơn thị trường. Mỗi năm, HTX thu mua trên 300 tấn thóc cho xã viên và xuất bán cho một doanh nghiệp thức ăn gia súc ở Hà Nội. HTX đã góp phần tạo việc làm cho xã viên và đóng BHXH đầy đủ. HTX đang phấn đấu nâng thu nhập bình quân của thành viên và người lao động lên 3-4 triệu đồng/người/tháng vào năm 2016.Tương tự, để biến một vùng đồi núi đầy lau lách, cỏ dại ở xã Ân Phú (Vũ Quang) trở thành HTX Chăn nuôi tổng hợp quy mô 1.000 con lợn thương phẩm, 450 con lợn nái, 100 con lợn rừng, 30 con bò và hàng ngàn con gà như hôm nay, ông Nguyễn Văn Xoan đã vận động 7 xã viên góp vốn, người dăm trăm triệu đến 1 tỷ đồng. Thu nhập bình quân xã viên đạt 3-3,5 triệu đồng/tháng. Điều quan trọng hơn, ông Xoan đã thể hiện được vai trò “ông chủ” đứng ra đàm phán, ký kết hợp tác liên kết với DN từ khâu cung cấp thức ăn, con giống đến bao tiêu sản phẩm. Từ mô hình hiệu quả này đã trở thành đầu kéo kích thích nhiều “ông chủ” trong huyện học tập, làm theo.

Những “doanh nhân - nông dân” nói trên tiêu biểu cho gần 1.000 HTX trên địa bàn. Họ là những người hiểu biết về thị trường và biết quản trị tốt SXKD từ cánh đồng, trang trại, cơ sở sản xuất của mình. Mặc dù còn những khó khăn, bộn bề nhưng họ là những người có tố chất kinh doanh, hình thành nên tầng lớp “doanh nhân - nông dân” kiểu mới.

Đồng hành với người dân trong phát triển sản xuất là các tập đoàn, DN lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Các tập đoàn, DN này đã từng bước thể hiện vai trò “bà đỡ” cho sản xuất nông hộ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế hợp tác và hình thành các DN vừa và nhỏ ở nông thôn. Tiêu biểu là Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh đã trở thành DN đầu kéo của nhiều chuỗi giá trị sản phẩm: lợn, bò, rau - củ - quả, hươu... Công ty Fineton (Hồng Kông) đã, đang và sẽ mở rộng nhiều hoạt động chuỗi giá trị của các sản phẩm, đặc biệt là rau - củ - quả, cá bơn, cá mú và bào ngư...

Theo Tiến sỹ Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ NN&PTNT, chúng ta muốn có nền nông nghiệp mới - được CNH-HĐH, đủ khả năng hội nhập và đua tranh thì không chỉ là sắm máy cày và máy tính cho nông dân, mà cần phải CNH-HĐH cách nghĩ, cách làm. Một trong những phương cách hữu hiệu là “doanh nhân hóa nông dân”. Muốn xây dựng một thế hệ “nông dân - doanh nhân”, việc cần làm là gieo những hạt mầm nhận thức về “chân dung người nông dân mới”. Hãy gieo và chăm bón để những hạt mầm này lan tỏa khắp nơi.

Nguồn: Báo Điện tử Hà Tĩnh

Bình luận của bạn