Làng nghề Tò he: Lưu giữ tâm hồn tuổi thơ

Trong thời đại công nghệ hiện nay giữa vô vàn trò chơi hiện đại, chúng ta khó có thể bắt gặp những em nhỏ chơi các đồ chơi dân gian. Thế nhưng, giữa lòng Thủ đô ít ai biết rằng vẫn còn tồn tại một làng nghề truyền thống lưu giữ nét đẹp tuổi thơ bình dị - đó là làng nghề “tò he” Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên.

Nghề nặn tò he không rõ chính xác có từ khi nào, những nghệ nhân nặn tò he làng Xuân La cũng chỉ ước nghề này có khoảng trên dưới 300 năm, nhưng có một điều mà họ chắc chắn và khẳng định rằng làng nghề tò he Xuân La là làng nghề “độc nhất” ở Việt Nam, ngoài ra không có làng nào làm nghề này cả.

Gốc tích tò he làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vốn không phải là… tò he. Nó đơn giản là bánh bột các cụ nghĩ ra để bù đắp những thiếu thốn cho trẻ nhỏ mỗi dịp lễ, tết. Đất chiêm trũng bao đời chẳng đủ ăn nên các cụ mới nghĩ phải làm thế nào để có được một loại mà trẻ vừa có thể chơi, đến khi chơi xong lại có thể bỏ vào miệng ăn ngon lành.

Những người làm nghề thường nặn hoa lá, quả và các con vật như chim, công, gà, trâu, bò, lợn, cá… Rồi nặn bộ tam đa (phúc, lộc, thọ), tứ linh (long, ly, quy, phượng), 12 con giáp, chân giò, đĩa xôi, nải chuối... tạo thành vật phẩm dùng để cúng lễ.

Ngày nay, các nghệ nhân không chỉ nặn tò he với hình thù đơn giản về các con vật, các loại trái cây… mà còn nặn nhiều hình thù phong phú khác, nhiều nhất là các nhân vật mà trẻ con yêu thích như Bạch Cốt Tinh, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, ông già Noel… và các nhân vật trong tích cổ hay trong hoạt hình thời hiện đại.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và thời bao cấp trước khi thực hiện công cuộc đổi mới, nghề tò he tưởng như đã mất, bởi nguyên liệu chính làm tò he là gạo nếp vô cùng khan hiếm. Thời ấy, chỉ còn vài ba hộ ở làng Xuân La làm tò he cầm chừng, rồi gánh đi bán ở một số lễ hội quanh vùng.

Tưởng chừng như sau thời đổi mới, làng nghề tò he sẽ có bước phát triển mới khi nguyên liệu để làm tò he đã sẵn hơn, nhưng sự bùng nổ của kinh tế thị trường khiến cho nguyên liệu phối màu từ thiên nhiên hiếm hơn và bắt đầu xuất hiện những loại đồ chơi công nghiệp lấn át các món đồ chơi dân gian. Trong khi đó, lớp trẻ ngày càng có nhiều nghề thu nhập cao để làm giàu, việc lựa chọn nghề truyền thống mưu sinh rất ít.

Ngay như gia đình các nghệ nhân ở làng, các con lớn lên cũng có xu hướng tìm đến các ngành kinh doanh để vực dậy kinh tế gia đình. Bản thân những bậc "tiền bối' không ngăn cấm các con, nhưng luôn động viên, khích lệ các con giữ nghề nặn tò he như một nghề phụ để giữ nghề truyền thống, cũng như làm giàu thêm vốn văn hóa dân gian.

Từ khi Hồ Gươm trở thành tuyến phố đi bộ vào những ngày cuối tuần, tò he đã trở thành “đặc sản”. Dãy tò he sặc sỡ sắc màu như cổ tích của người Xuân La chưa khi nào thôi làm trẻ nhỏ háo hức, khách phương xa trầm trồ. Vào mỗi dịp lễ, tết, những “gánh” tò he này thực sự trở thành trung tâm, khơi gợi cảm xúc, ký ức và tuổi thơ của biết bao người Hà Nội.

Đứng trước nguy cơ một làng nghề truyền thống đang dần bị mất đi, những nghệ nhân làng Xuân La tâm huyết với nghề như nghệ nhân ưu tú Chu Tiến Công đã quyết định thử nghiệm, cố gắng tìm nhiều hướng đi mới để làng nghề được tiếp tục duy trì và phát triển. Một trong những hướng đi ấy là thành lập nên Câu lạc bộ Tò he Xuân La.

Câu lạc bộ được thành lập vào năm 2009 với số hội viên ban đầu là 54 người là những nghệ nhân trong làng, cùng chung tay giữ gìn và phát triển làng nghề do cha ông xưa để lại. Đến nay, số hội viên đã tăng lên là 119 người với những thành công bước đầu.

Dù mỗi con to he bây giờ chỉ bán được 5-7 nghìn đồng nhưng các nghệ nhân nơi đây vẫn rong ruổi tới các lễ hội và phố phường Hà Nội để “hành nghề”, để cho các cháu nhỏ biết được ông cha chúng ngày xưa chơi cái gì, thông qua đó làm cho các cháu tự hào về truyền thống của cha ông.

Nghệ nhân Chu Tiến Công cho biết, hơn 40 năm qua, ông cùng chiếc xe đạp khắp các ngõ ngách ở Hà Nội cũng như các lễ hội gần xa để hành nghề và cố gắng dạy nghề, truyền nghề cho những người yêu thích.

Ông bảo: Mỗi con to he bây giờ bán được 5.000-7.000 đồng, hội lớn thì bán được tổng cộng vài ba trăm nghìn đồng, hội nhỏ thì vừa đủ tiền đi chơi, nhưng tôi vẫn dắt xe đi, bởi lẽ nặn tò hè để cho các cháu nhỏ biết được ông cha chúng ngày xưa chơi cái gì, rồi thông qua đó làm cho các cháu thêm yêu lịch sử, tự hào về truyền thống của cha ông.

Hơn 40 năm đèo đẽo cùng chiếc xe đạp khắp các ngõ ngách ở Hà Nội cũng như các lễ hội gần xa, dường như bước chân của ông càng thêm dẻo dai. Đi đến đâu ông cũng cố gắng dạy nghề, truyền nghề cho những người yêu thích. Tuổi đã cao, ông Công không nhớ mình đã dạy nghề cho bao nhiêu người. “Ở Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh… đều có người được tôi chỉ cho cách làm, người nào nhanh chỉ 3 tháng là thành thạo, 6 tháng là điêu luyện, nhưng giờ tôi cũng không nhớ được tên tuổi của họ nữa”-ông cười sảng khoái và tâm sự với chúng tôi như vậy. Ông còn nhấn mạnh thêm: Đặc điểm của tò he là có thể ăn được nên nguyên liệu phải là nguyên liệu sạch, tuyệt đối không được dùng hóa chất. Ông luôn dặn dò rất kỹ những người được ông truyền nghề như vậy.

Bây giờ, cứ vào ngày chủ nhật là ông lại mang “đồ nghề” ra Trường Mầm non Xuân La để dạy nghề miễn phí cho trẻ em trong làng. Ông tâm sự: Thấy lũ trẻ mê mẩn nặn, giũa, ghép… là tôi thấy vui vô cùng. Các cháu bây giờ tuy chưa hiểu được ý nghĩa làng nghề nhưng hứa hẹn sẽ là những “hạt giống" để lưu giữ làng nghề trong tương lai.

Hiện nay, làng nghề tò he Xuân La vẫn thường phối hợp với các trường, tổ chức những buổi giao lưu tìm hiểu về cách nặn tò he cho các em học sinh. Các nghệ nhân trong làng cũng thường có những chuyến đi đến các làng trẻ hay các hội chợ để quảng bá các sản phẩm tò he của quê hương mình. Chính những đóng góp không ngừng nghỉ của những người thợ này đã và đang giữ “hồn” cho nghề nặn tò he, bảo tồn một loại hình văn hóa truyền thống.

Bình luận của bạn