Năm 2014: Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đứng thứ 15 châu Á
Tại Diễn đàn “Thương hiệu Việt Nam 2015” tổ chức sáng nay (4/8), ông Lại Tiến Mạnh – Đại diện Công ty Brand Finance tại Việt Nam cho hay, giá trị Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam năm 2014 được định giá khoảng 172 tỷ USD, đứng thứ 42 trong tổng số 100 nước trên thế giới; đứng thứ 15 tại châu Á.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Chương trình THQG được Chính phủ Việt Nam phê duyệt từ năm 2003, đến nay đã có bước tiến dài. Năm 2014, chương trình đã lựa chọn được 63 DN có thương hiệu sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ đạt THQG. Đây hầu hết là các DN lớn, đầu ngành trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh việc chọn lựa những DN đạt THQG, Bộ Công Thương đã hỗ trợ DN quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu, giúp thương hiệu hàng hóa của DN được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn nữa, qua đó hình ảnh THQG Việt Nam vươn xa hơn trên thế giới, đặc biệt trong hoàn cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Theo ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Tổng thư ký Chương trình THQG, trong giai đoạn từ năm 2003 đến 2014, chương trình đã tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực của DN về vấn đề xây dựng thương hiệu thông qua các hội thảo, diễn đàn, các lớp tập huấn, đào tạo; phát hành các ấn phẩm thông tin tuyên truyền kiến thức về xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu cho các DN. Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhìn nhận rằng, mặc dù một số DN THQG đã có hợp tác trong kinh doanh nhưng đến nay, các DN nhóm này chưa có sự liên kết, kết nối theo một mô hình nào.
Các diễn giả tham gia diễn đàn
Theo ông Lại Tiến Mạnh, giá trị THQG Việt Nam đã tăng lên mạnh mẽ, cụ thể: năm 2013 hãng Brand Finance định giá khoảng 133 tỷ USD đến năm 2014 đã tăng lên 172 tỷ USD. Như vậy, trong bảng xếp hạng trên hội liên hiệp, thương hiệu quốc gia Việt Nam đứng thứ 42 trong tổng số 100 nước trên thế giới; đứng thứ 15 tại châu Á. Tuy nhiên, xét trong khu vực Đông Nam Á thì thương hiệu Việt Nam đứng thứ 6 trong tổng số 8 nước được đánh giá xếp hạng. THQG Việt Nam đứng sau nhiều nước như: Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines. “Việt Nam mới chỉ có một số thương hiệu phát triển, vươn ra tầm quốc tế như Viettel, còn lại phần lớn các DN Việt Nam chưa mạnh dạn vươn ra thị trường nước ngoài.” – ông Mạnh cho hay.
Đồng quan điểm, ông Ngô Quốc Thịnh, chuyên gia thương hiệu của Đại học Thương mại, cũng chỉ ra thực tế là nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Song khi sản phẩm đưa ra thị trường thế giới, lại đều gắn nhãn mác của DN nước ngoài, nên giá trị sản phẩm mà Việt Nam thu lại rất ít.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cơ cấu ngành của Việt Nam vẫn ở đẳng cấp thấp, theo hướng khai thác các nguồn lực sẵn có chứ không phải do nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam vẫn chủ yếu là khai thác tài nguyên, gia công chứ không phải là nâng cao năng suất, sáng tạo nhờ ứng dụng công nghệ. Nền kinh tế vẫn đậm tính tiểu nông, nhỏ lẻ, đóng kín và thiếu liên kết, chưa có tầm nhìn toàn cầu.
Theo ông Bùi Huy Sơn, để tiếp tục nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp thiết thực hỗ trợ cho DN Việt Nam xây dựng thương hiệu. Với các DN nằm trong chương trình THQG, khi tham gia chương trình xúc tiến thương mại quốc gia thì DN sẽ nhận được ngân sách hỗ trợ của nhà nước. DN cũng được quảng bá cung cấp thông tin kịp thời, thường xuyên về các hoạt động xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu trên thị trường quốc tế thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; các chương trình xúc tiến thương mại…Đồng thời, cung cấp thông tin thị trường hữu ích cho DN, tạo thuận lợi cho DN được tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng xây dựng thương hiệu.