Nestlé Việt Nam: Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững
Cho tới nay, tất cả các nhà máy do Tập đoàn Nestlé (Thụy Sỹ) đầu tư và đang vận hành tại Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu không chất thải ra môi trường trong sản xuất. Công ty cũng cam kết, tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm vào năm 2025, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường.
Những viên gạch làm từ hạt cà phê
Thành lập tại Đồng Nai năm 1995, kể từ đó, Nestlé Việt Nam liên tục mở rộng đầu tư. Hiện tại, Công ty vận hành 4 nhà máy, 2 trung tâm phân phối khắp cả nước. Ông Ganesan Ampalavanar - Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam - khẳng định: Nestlé cam kết đầu tư lâu dài và phát triển bền vững tại Viêt Nam không chỉ trên lĩnh vực kinh tế-xã hội mà còn về môi trường. "Rất nhiều sáng kiến tiêu biểu áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đã và đang được Nestlé Việt Nam triển khai, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững", ông nói.
Một điển hình là, hạt cà phê chất lượng cao - kết quả của dự án phát triển cà phê bền vững Nescafé Plan – đã được đưa từ các tỉnh Tây Nguyên đến nhà máy tại Đồng Nai để sản xuất nhiều dòng cà phê giá trị cao. Bã cà phê sau đó được dùng để sản xuất phân bón và làm chất đốt thay thế nhiên liệu hóa thạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí sản xuất. Cát thải lò hơi hình thành sau quá trình đó sẽ dùng sản xuất gạch thân thiện với môi trường, đạt tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam và ứng dụng rộng rãi trong nhiều công trình dân dụng.
Tính đến hết năm 2018, Nestlé Việt Nam đã thu gom hơn 2.700 tấn cát thải lò hơi để sản xuất gần 5 triệu viên gạch không nung đạt tiêu chuẩn quốc gia và ứng dụng rộng rãi ở các công trình dân dụng lẫn công nghiệp. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu: Không chất thải ra môi trường trong sản xuất. Các hoạt động khác, bao gồm: Tập trung rác sinh hoạt, chất thải rắn không nguy hại giao cho nhà thầu xử lý đốt, thu hồi nhiệt thay vì xử lý chôn lấp; bùn thải không nguy hại sau khi được xử lý nội bộ cũng dùng để sản xuất phân bón; vỏ hộp sữa được xử lý làm tấm lợp sinh thái.
"Cho tới nay, tất cả các nhà máy do Tập đoàn Nestlé Thụy Sỹ đầu tư và đang vận hành tại Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu Không chất thải ra môi trường trong sản xuất", ông Ganesan Ampalavanar tự hào. Cũng nhờ tiên phong trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, Nestlé Việt Nam đã vinh dự được bình chọn Top 10 Doanh nghiệp (DN) bền vững của Việt Nam và nhận được nhiều ghi nhận danh giá khác về phát triển bền vững.
Mục tiêu tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm
Từ những kết quả này, Tập đoàn Nestlé đã công bố kế hoạch tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm tới năm 2025. "Để hiện thực hóa cam kết này, Nestlé Việt Nam đã hợp tác với các DN trong ngành, các tổ chức xã hội, các cơ quan Chính phủ triển khai nhiều sáng kiến và tổ chức nhiều hoạt động", ông Ganesan Ampalavanar cho biết.
Cụ thể, Nestlé Việt Nam đi tiên phong hợp tác với các DN trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì; Ký kết thành lập Liên minh Tái chế Bao bì - PRO Vietnam, với mong muốn góp phần vì một Việt Nam xanh - sạch - đẹp, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn; tham gia Liên minh Chống rác thải nhựa do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức với các cam kết 100% rác thải từ nhà máy được thu gom, phân loại tại nguồn và 100% nhà máy không chôn lấp rác thải rắn ra môi trường.
Trong dịp hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Biển đảo Việt Nam 2019, Nestlé Việt Nam đã tham gia Chương trình Nâng cao nhận thức và hỗ trợ trang bị thùng rác phân loại rác tại nguồn cho người dân tỉnh Bạc Liêu; cùng tỉnh Đồng Nai trồng cây vì môi trường; tham gia Ngày hội tái chế chất thải như một hoạt động thường niên.
Từ năm 2018, Nestlé Việt Nam đồng hành với DN xã hội mGreen triển khai sáng kiến "Phân loại và Tái chế rác thải" tại các tòa nhà dân cư và trường học tại khu đô thị Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng thói quen phân loại rác tại nguồn cho người dân và các em học sinh để hỗ trợ thu gom, xử lý rác tái chế. Mùa hè năm 2019, Công ty triển khai Chương trình "Cùng Nestlé Lan tỏa hè vui", kêu gọi mọi người giữ gìn môi trường sạch, đẹp và bỏ rác đúng nơi quy định tại 19 tỉnh, thành phố, thu đổi trên 13.000 vỏ chai đã qua sử dụng.
"Đối với Nestlé Việt Nam, các hoạt động và mục tiêu bảo vệ môi trường kể trên được thực hiện nhất quán và đồng bộ tại tất cả các địa phương mà Công ty có hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Công ty liên tục tổ chức các hoạt động để nâng cao nhận thức về rác thải nhựa cho nhân viên", ông Ganesan Ampalavanar nói. Tháng 6 vừa qua, chỉ trong 1 ngày, hơn 300 nhân viên Công ty Nestlé Việt Nam đã làm sạch bãi biển thuộc thị trấn Phước Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thu gom hơn 1,1 tấn rác các loại, để đưa về khu xử lý rác tập trung.
Cũng theo Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, để triển khai hiệu quả và lâu dài các cam kết chống rác thải nhựa, cần thúc đẩy và mở rộng mô hình kinh tế tuần hoàn. "Cùng với đó, Chính phủ và các bên liên quan cần quan tâm phát triển hơn một hệ sinh thái thu gom và tái chế bao bì, hướng đến giảm thiểu lượng bao bì thải ra môi trường cũng như có các cơ chế, chính sách phù hợp trong việc khuyến khích người tiêu dùng, các DN có sáng kiến, đóng góp tích cực trong hoạt động chống rác thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung", ông Ganesan Ampalavanar đề xuất.