Nông dân bán sáng chế ở chợ công nghệ quốc tế

Tối 1.10, Chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam (Techmart 2015) đã chính thức khai mạc. Một trong những điểm nổi bật của sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức lần này là sự tham gia đông đảo của các nhà sáng chế "chân đất".

Điểm nhấn ở Chợ công nghệ quốc tế

Techmart 2015 tổ chức thu hút hơn 700 đơn vị tham gia, trong đó có hơn 500 doanh nghiệp, 110 viện nghiên cứu và 57 nhà sáng chế không chuyên. Theo Bộ KHCN, Techmart lần này có sự tham dự của các nhà sáng chế "chân đất" đông nhất từ trước đến nay. 

alt

Nông dân Lê Phước Lộc (Tiền Giang) giới thiệu kéo cắt tỉa vườn với khách tham quan tại gian hàng trưng bày của mình. 

Sáng 1.10, khi Techmart chưa chính thức khai mạc, theo ghi nhận của PV NTNN, khu trưng bày Nông dân sáng tạo và phát triển đã thu hút sự quan tâm của nhiều người tham quan.

Anh Trần Đại Nghĩa (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) - người sáng chế ra máy cấy lúa không dùng động cơ, gần như không có thời gian nghỉ ngơi để trả lời, giới thiệu sản phẩm. Đây là loại máy cấy không dùng động cơ, thân thiện với môi trường giúp bà con nông dân tăng năng suất lao động, giảm chi phí. Anh Nghĩa cho hay: "Máy nặng 26kg nhưng người kéo chỉ như 3kg. Một người kéo, vừa lái vừa điều khiển dàn cấy. 1 giây máy cấy được 4 khóm mạ, trong 1 giờ cấy được 1 sào Bắc Bộ".

Ngay bên cạnh, anh Tạ Đình Huy (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng tất bật giải thích về chiếc máy đa năng với 8 chức năng cho người xem. Từ năm 2005, anh Huy đã nghiên cứu chế tạo nhiều loại máy móc nông nghiệp phục vụ bà con nông dân trong vùng. Chiếc máy "8 trong 1" của được anh Huy chế tạo đến nay đã phục vụ nhu cầu nông dân ở nhiều địa phương khác nhau.

Nổi bật nhất ở khu trưng bày, là hai chiếc máy cuốn rơm và thu hoạch bắp - lúa liên hợp của anh Phan Tấn (tỉnh Đồng Tháp). Anh Tấn cho hay: "Tôi bắt đầu nghiên cứu chế tạo từ những năm 90, dựa trên thực tế sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Gia đình tôi đến giờ vẫn làm nông nghiệp. Hơn 3 năm trước, tôi mới thành lập công ty cơ khí nông nghiệp".

Như anh Tấn trình bày, để thiết kế, chế tạo được những máy nông nghiệp hoành tráng, anh phải tìm hiểu thị trường ngay từ những người nông dân. Anh Tấn chia sẻ, điểm mấu chốt là phải nắm được thời điểm người nông dân chuyển đổi mô hình, phương thức sản xuất thì cần máy gì để có thể đáp ứng.

Một trong những điều khó khăn với những nhà sáng chế "chân đất" như anh Phan Tấn là phải thuyết phục người nông dân - những người đồng nghiệp gắn bó với đồng ruộng như mình áp dụng máy móc kỹ thuật, công nghệ vào đồng ruộng.

Anh Tấn cho biết: "Mỗi dòng sản phẩm mới, người nông dân không dễ chấp nhận công nghệ mới và có xu hướng thích xài đồ ngoại hơn là máy móc trong nước. Vì vậy, phải tìm cách để bà con làm quen, dần dần thấy phù hợp với công việc. Bởi máy móc do người nông dân, người Việt mình chế tạo gần gũi hơn với ruộng đồng nhiều".

Khuyến khích nhà sáng chế "chân đất"

Ông Lê Xuân Định - Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ KHCN cho biết: "Techmart 2015 dành riêng một khu vực cho 57 nhà sáng chế không chuyên, đồng thời tổ chức một hội thảo nhằm tìm hướng thương mại hóa sản phẩm của họ. Điều này nhằm khuyến khích sáng tạo đối với các nhà sáng chế không chuyên, đi lên từ đồng ruộng, công việc thực tế hàng ngày".

Trong những Techmart trước đây, số lượng nhà sáng chế "chân đất" chỉ khoảng 10 - 12 người được mời tham dự. Tuy nhiên, năm nay số lượng nhà sáng chế được tăng đột biến. Ông Định cho hay: "Tất cả các nhà sáng chế không chuyên đều được miễn phí tham dự Hội chợ Techmart, kể cả việc di chuyển sản phẩm đến trưng bày. Ban tổ chức đã bố trí xe container chở sản phẩm của các nhà sáng chế từ đồng bằng sông Cửu long, từ miền núi về Hà Nội để dự Techmart".

Như vậy, đây là lần đầu tiên, lực lượng các nhà sáng chế "chân đất", trong đó rất nhiều người xuất thân từ nông dân, từ ngành nông nghiệp có một khu vực riêng trưng bày máy móc thiết bị, công nghệ với các nhà khoa học, các trung tâm nghiên cứu trong cả nước.

Ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ KHCN cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng ta được chứng kiến Techmart ngược. Đó là việc các doanh nghiệp chủ động đưa ra yêu cầu về đổi mới công nghệ, thiết bị trong bài toán kinh doanh thực tế của mình. Đây là nơi để các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, nhà sáng chế đi chợ để có được các đơn hàng cụ thể cho những sáng tạo của mình". 

Nguồn: Dân Việt

Bình luận của bạn