Phát huy tối đa ưu thế cửa hàng "tiện ích"
Nhiều nhà bán lẻ xác định, đây là mô hình kinh doanh chiến lược sẽ đạt hiệu quả cao trong việc mở rộng mạng lưới phân phối và chiếm lĩnh thị phần.
Kinh doanh cửa hàng tiện lợi được xem là mô hình kinh doanh chiến lược trong lĩnh vực bán lẻ. Ảnh:vietnamnet
Với lợi thế dễ dàng len lỏi vào các ngõ ngách, khu dân cư, cửa hàng tiện lợi đang có ưu thế mạnh mẽ trong việc phủ sóng tại các thành phố lớn và đang dần tiến đến nhiều khu vực nông thôn.
Chạy đua dành thị phần
Theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, trong ba năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của cửa hàng tiện ích và siêu thị mini tại Việt Nam đã lên đến 200%, từ 1.000 cửa hàng vào năm 2012 tăng lên 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2015. Trong khi đó, số lượng cửa hàng tạp hóa đã giảm từ 62% xuống còn 52% ở giai đoạn này.
Đơn cử, tại tính đến hết tháng 3/2016, tại Tp. Hồ Chí Minh đã có hơn 500 cửa hàng tiện lợi; trong đó doanh nghiệp nội chiếm 40% trong tổng giá trị đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể, những thương hiệu đang tăng cường tốc độ phủ sóng của mình trên thị trường có thể kể đến là Vinmart+, B'mart, MiniStop, Circle K...
Hiện tại B'mart đang sở hữu hệ thống bán lẻ hơn 100 cửa hàng tiện ích tại Tp. Hồ Chí Minh, nhưng thương hiệu này sẽ đầu tư tăng thêm 100 cửa hàng tiện lợi trong thời gian tới. Còn Circle K đã phát triển hơn 150 cửa hàng và sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống để đạt 500 cửa hàng tiện lợi từ nay đến năm 2018.
Không thua kém các nhà bán lẻ ngoại, nhiều thương hiệu nội cũng tăng tốc tham gia cuộc đua giành thị phần với quyết tâm và chiến lược mạnh mẽ.
Đơn cử, tính đến hết năm 2015, Vinmart+ đã có khoảng 650 điểm bán trên toàn quốc và trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, thương hiệu này đặt mục tiêu sẽ phát triển lên thành 3.000 cửa hàng tiện ích; trong đó khu vực nông thôn có thể chiếm 1.000 điểm bán.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, song song với việc cải tiến hoạt động các điểm bán hiện hữu, Saigon Co.op sẽ xây dựng thêm các mô hình kinh doanh mới, phù hợp với nhiều phân khúc mới vào năm 2017.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, Saigon Co.op sẽ phát triển 30 - 50 cửa hàng tiện lợi tập trung tại các khu vực dân cư đông tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác. Đối với mạng lưới cửa hàng Co.opFood, dự kiến sẽ phát triển thêm 30 - 50 cửa hàng, thực hiện liên kết và nhượng quyền với các cửa hàng tạp hóa truyền thống với 60 - 80 điểm bán mỗi năm.
Trao đổi với báo chí, ông Vaughan Ryan, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam nhấn mạnh: Người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang có thói quen mua sắm tại tiệm tạp hóa và chưa có sự thay đổi đang kể.
So với cửa hàng tiện ích thì tiệm tạp hóa vẫn gần gũi và được ưu chuộng hơn. Tuy nhiên, xu hướng mua sắm hiện đại đang lan rộng, do đó cơ hội phát triển cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và dư địa, không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở nhiều vùng nông thôn.
Phát huy tối đa ưu điểm tiện ích
Đánh giá về khả năng cạnh tranh của cửa hàng tiện ích với những kênh bán lẻ khác, bà Huỳnh Thị Thủy Tiên, cư ngụ tại quận Phú Nhuận cho rằng, hiện nay, cửa hàng tiện ích được mở phổ biến trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, nên rất thuận tiện cho người tiêu dùng mua sắm.
Bên cạnh đó, so với các siêu thị thì cửa hàng tiện ích được mở dày đặc hơn ở khu dân cư, chung cư; hàng hóa kinh doanh ở cửa hàng tiện ích đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm hơn ở chợ truyền thống.
Tương tự, nhiều người tiêu dùng khác cho biết, trong những năm gần đây đã chuyển sang mua sắm ở các cửa hàng tiện ích thay vì đến chợ truyền thống hay tiệm tạp hóa.
Kinh doanh cửa hàng tiện ích đang dần chiếm thị phần lớn trong phân khúc bán lẻ của Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Lý giải nguyên nhân, người tiêu dùng nhấn mạnh, họ không phải trả giá khi mua sắm mà vẫn an tâm là hàng hóa bán đúng chất lượng, giá cả. Ngoài ra, không gian mua sắm thoáng mát, sạch sẽ, không có tình trạng chen lấn, chèo kéo khách hàng như những nơi khác.
Ghi nhận tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh, các nhà bán lẻ kinh doanh cửa hàng tiện ích đều nỗ lực khai thác tối đa ưu điểm tiện ích của mô hình kinh doanh này như hàng hóa đa dạng, trưng bày đẹp mắt, niêm yết giá cả rõ ràng; không gian hiện đại với máy lạnh, wifi miễn phí...
Tuy nhiên, mỗi thương hiệu đang chọn lựa những chiến lược và hướng đi khác nhau để phát huy thế mạnh cũng như hướng đến những phân khúc thị trường và đáp ứng nhu cầu đối tượng khách hàng riêng.
Theo đó, tại các cửa hàng tiện lợi Co.op Food, Satra Food... vẫn chủ yếu kinh doanh hàng tiêu dùng, thực phẩm, rau củ, quả; nhu yếu phẩm, đồ tiêu dùng...
Đại diện hệ thống cửa hàng tiện lợi Co.op Food cho hay, để nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hút khách hàng, hệ thống cửa hàng tiện lợi Co.op Food đang đẩy mạnh kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống, đáp ứng nhu cầu bữa ăn hàng ngày chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân.
Song song đó, hệ thống cửa hàng tiện lợi Co.op Food không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ tiện ích để phục vụ nhu cầu khách hàng tốt hơn.
Cũng là những thương hiệu kinh doanh cửa hàng tiện lợi phổ biến tại Việt Nam hiện nay, nhưng FamilyMart, Circle K, Shop&Go... lại ưu tiên hướng đến đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, khách du lịch...
Từ đó, các thương hiệu này tích cực đưa ra nhiều dịch vụ tiện ích hơn để thu hút khách hàng gồm phát triển quầy cà phê, nước giải khát; phục vụ thức ăn nhanh các loại, nước sôi cho khách ăn mì gói; wifi miễn phí...
Theo ông Maeda Akihiko, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn MiniShop, chiến lược mở chuỗi cửa hàng tiện lợi MiniShop, chủ yếu phục vụ đối tượng khách hàng có độ tuổi dân số trung bình vào khoảng 20 tuổi.
Cụ thể, cửa hàng tiện lợi MiniShop tập trung mở điểm bán tại các trường học, khu dân cư đông đúc... Đồng thời, phát triển mô hình kết hợp giữa cửa hàng tiện lợi và cửa hàng thức ăn nhanh chế biến tại chỗ, để MiniShop trở thành nơi khách hàng có thể trò chuyện thư giãn và thưởng thức các món ăn ngon./.