Sáng kiến thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Những năm gần đây, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do các cấp công đoàn ngành Công thương phối hợp tổ chức, thật sự trở thành “bảo bối”, giúp nhiều doanh nghiệp (DN) vượt khó trong giai đoạn suy thoái kinh tế. Qua những phong trào được triển khai rộng khắp, đã kích thích tinh thần làm việc, khơi gợi ý tưởng giúp người lao động (NLĐ) phát huy tiềm năng, tạo ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của DN và cho chính thu nhập của mình.

Từ thực tiễn lao động, sản xuất

Một trong những cá nhân tiêu biểu của phong trào thi đua ngành Công thương là chị Huỳnh Thị Việt Hà, nhân viên Phòng Công nghệ, Công ty Cổ phần Công nghiệp cao-su miền nam. Năm 2012, chị Huỳnh Thị Việt Hà cho ra đời sáng kiến “Sử dụng cao su butyl tái sinh vào đơn cao-su săm ô-tô S26E”. Suốt ba năm qua, kể từ khi đưa vào sản xuất, sáng kiến này đã làm lợi cho công ty hơn 3,6 tỷ đồng/năm. Với vai trò Phó Chủ tịch Công đoàn, kỹ sư cơ khí chế tạo máy An Cao Thắng, Trung tâm Công nghệ thiết kế 2 (Công ty Cổ phần cơ khí Phổ Yên) luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo. Gần như năm nào anh Thắng cũng cho ra đời sáng kiến đổi mới kỹ thuật và công nghệ. Tính riêng năm 2015, anh Thắng có 13 sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa trong quy trình sản xuất tại các công đoạn trên dây chuyền sản phẩm với tổng giá trị làm lợi cho DN lên tới 1,5 tỷ đồng. Sáng tạo của anh đã góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, mang lại lợi thế trong cạnh tranh. Nổi bật là sáng kiến giảm lượng dư gia công sản phẩm “bộ bi phối YAMAHA”. Nhờ sáng kiến này, công đoạn gia công cắt gọt bi đã tiết kiệm được vật tư, tăng năng suất lao động, làm lợi 800 triệu đồng/năm cho công ty.

Với kỹ sư Vũ Linh (Cơ khí trưởng - Xí nghiệp Supe 1, Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao), thi đua yêu nước không chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, mà còn nỗ lực trong công việc hằng ngày để có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng công việc. Do vậy, anh Vũ Linh đã không ngừng đưa ra các sáng kiến được Hội đồng sáng kiến công ty và xí nghiệp áp dụng vào sản xuất, làm lợi hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu như các sáng kiến: Cải tạo máy nghiền lân dây và sàn thao tác kho ủ dây chuyền 2; cải tạo hệ thống cấp quặng tuyển trung hòa vào băng tải điều chế dây chuyền 1; Cải tạo bộ vách ngăn thùng hóa thành dây chuyền 1; nghiên cứu thiết kế tận dụng bộ giảm tốc liền động cơ sẵn có thay thế bộ khuấy bùn…

Phong trào lao động sáng tạo thường mang tính quần chúng rộng rãi. Khác với các công trình nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo phần lớn đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhiều sáng kiến hợp lý hóa sản xuất đều xuất phát từ những khó khăn vướng mắc trong công việc. Do vậy, khi đưa vào áp dụng thực tế lại đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm đáng kể nguyên liệu, nhiên liệu, góp phần không nhỏ trong việc giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN.

Trong số hàng trăm nghìn sáng kiến lớn nhỏ của NLĐ ngành Công thương, phải kể tới một số sáng kiến giải pháp không được tính bằng tiền nhưng lại có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Có thể kể tới, như: Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam nổi bật với phong trào thi đua “Trồng cây năng suất cao và phát triển kinh tế hộ gia đình”; Công đoàn Xăng dầu Việt Nam với phong trào “Xây dựng cửa hàng văn minh kiểu mẫu”… Công đoàn Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (thuộc Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam) tổ chức hội thi “Đề xuất phương án cải thiện điều kiện lao động”. Ngoài ra, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được Công đoàn Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp, Công đoàn Tổng công ty cổ phần thiết bị điện Việt Nam… triển khai có hiệu quả.

Nhân rộng điển hình sáng tạo

Những nỗ lực, thành quả và đóng góp của NLĐ ngành Công thương đều được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Công đoàn Công thương Việt Nam ghi nhận, có những khen thưởng kịp thời. Đã có 315 người được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo. Đáng chú ý, những năm trước, phần lớn Bằng lao động sáng tạo được trao tặng các cán bộ lãnh đạo và kỹ thuật nhưng đến nay, số công nhân lao động trực tiếp được tặng Bằng lao động sáng tạo đã tăng lên rõ rệt. Hằng năm, vào dịp Tháng Công nhân, công đoàn ngành đều tổ chức tôn vinh các cá nhân tiêu biểu xuất sắc. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại Tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA), cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển, nhưng cũng kéo theo nhiều thử thách. Trước xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh về giá cả, hàng hóa, việc làm, trình độ, đòi hỏi Bộ Công thương và công đoàn ngành Công thương phải có những nỗ lực rất lớn để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Một trong những giải pháp mạnh mẽ là tiếp tục tăng cường đẩy mạnh hơn các phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng điển hình tiên tiến, nhất là lao động trình độ cao.

Theo Chủ tịch Công đoàn Công thương Việt Nam Lý Quốc Hùng, phong trào thi đua trong toàn ngành trong thời gian tới tập trung vào tám nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu. Phải coi việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức các phong trào thi đua. Trong công tác khen thưởng, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, NLĐ trực tiếp sản xuất kinh doanh. Bảo đảm phong trào thi đua "Lao động sáng tạo - Năng suất - Chất lượng - Hiệu quả" luôn được tổ chức, thực hiện rộng khắp, liên tục.

Bình luận của bạn