Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Khẳng định vai trò nòng cốt

Trong 5 năm (2010-2015), cùng với công tác chuyên môn, các phong trào thi đua do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) phát động đã phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng Vinatex ngày càng vững mạnh, khẳng định vai trò là đơn vị nòng cốt của ngành dệt may Việt Nam.

alt

Thi đua thiết thực, hiệu quả

5 năm qua, Vinatex đã tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước. Đây cũng là giai đoạn có nhiều sự kiện quan trọng trong tổ chức và hoạt động của tập đoàn. Thực hiện Đề án tái cơ cấu, trong giai đoạn 2010-2015, Vinatex đã cổ phần hóa công ty mẹ tập đoàn. Theo đó, Vinatex là tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên tiến hành công tác cổ phần hóa, và chính thức hoạt động theo loại hình công ty cổ phần từ tháng 2/2015.

Mặc dù tập trung sức cho công tác cổ phần hóa nhưng công tác thi đua của tập đoàn luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp thực hiện. Các phong trào thi đua yêu nước được phát động sâu rộng đến toàn thể người lao động như: “Thi đua lao động sản xuất hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước giao”, “Xây dựng đơn vị an toàn vệ sinh lao động”, “Phong trào luyện tay nghề, thành thợ giỏi, chuyền giỏi”... Trong đó, phong trào “Luyện tay nghề, thành thợ giỏi” đã trở thành truyền thống, nét đẹp văn hóa của ngành Dệt may nhiều năm qua; giúp công nhân, doanh nghiệp giảm bớt thao tác thừa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...

Bên cạnh đó, dệt may là ngành chịu sức ép cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Bài toán đặt ra là phải tìm mọi cách tiết giảm tối đa chi phí. Vì vậy, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm được các đơn vị thành viên trong tập đoàn chú trọng quan tâm. Ngoài việc động viên cán bộ, người lao động tham gia nghiên cứu, tìm tòi cải tiến, phát minh, chế tạo những phụ tùng sản xuất trong nước thay thế nhập ngoại, tiết kiệm vật tư, điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, phương tiện vận chuyển… nhiều đơn vị còn trích thưởng cao cho cá nhân, tập thể từ số tiền làm lợi do sáng kiến, tiết kiệm mang lại. 5 năm qua, toàn tập đoàn đã có 3.612  sáng kiến cải tiến kỹ thuật, 85 đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng, làm lợi 238,745 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, Vinatex tiết kiệm được hơn 90 tỷ đồng từ các chi phí trong sản xuất.

“Cánh chim đầu đàn” ngành dệt may

Từ các phong trào thi đua, Vinatex luôn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh với tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước hàng năm tăng cao; đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động được nâng lên rõ rệt.

Với sự quyết tâm, nỗ lực ra sức thi đua, Vinatex và các đơn vị thành viên đã hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh giai đoạn 2010-2015, liên tục là đơn vị dẫn đầu ngành dệt may; chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13%/năm. Đặc biệt, thu nhập của người lao động có mức tăng cao hơn mức tăng các chỉ tiêu kinh tế khác, đảm bảo mục tiêu đề ra “Một người lao động nuôi được một người”. Năm 2015, thu nhập bình quân của người lao động Vinatex đạt bình quân 6,07 triệu đồng/người/tháng, tăng 2,79 triệu đồng/người/tháng so với năm 2010, và tăng bình quân 13%/năm.

Lãnh đạo Vinatex khẳng định: Phong trào thi đua đã thực sự trở thành động lực cho phát triển bền vững của từng đơn vị và của cả tập đoàn, là yếu tố quan trọng để tập đoàn khẳng định được vai trò chủ đạo trong ngành Dệt may, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia lớn về dệt may trên thế giới.

Theo http://baocongthuong.com.vn/

Bình luận của bạn