Tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp cao su đang đầu tư tại Campuchia

Ngày 2-8, tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, đã diễn ra cuộc họp giữa đại diện các doanh nghiệp cao su Việt Nam đang đầu tư kinh doanh tại Campuchia với đại diện các cơ quan hữu quan, chính quyền một số tỉnh của Campuchia, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn Campuchia Yim Chhay Ly.

Cuộc gặp này nhằm tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp cao su Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Cao su Việt Nam VRG đang đầu tư tại Campuchia. Tham dự cuộc gặp còn có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, Công sứ Nguyễn Trác Toàn.

Thay mặt Chính phủ Campuchia, Phó Thủ tướng Yim Chhay Ly đánh giá cao những đóng góp của của doanh nghiệp cao su Việt Nam vào công cuộc phát triển kinh tế của Campuchia, góp phần giúp nước này duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân 7%/năm trong nhiều năm qua.

Phó Thủ tướng Yim Chhay Ly cho rằng, các doanh nghiệp cao su Việt Nam không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách quốc gia Campuchia, mà còn góp phần phát triển cơ sở hạ tầng và các hoạt động an sinh xã hội tại nước sở tại như khám chữa bệnh, xây dựng trường học, trạm y tế, chùa chiền, hệ thống điện, nước sinh hoạt và nhiều công trình phúc lợi cho người dân địa phương.

Theo Phó Tổng giám đốc VRG Huỳnh Trung Trực, đến nay có 48 doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư phát triển cao su tại Campuchia, trong đó 15 đơn vị thành viên VRG đang thực hiện đầu tư 19 dự án tại nước sở tại. Tổng quỹ đất các doanh nghiệp Việt Nam được Chính phủ Campuchia cấp để trồng cao su là hơn 200 nghìn ha.

Tính đến ngày 30-6 vừa qua, tổng diện tích cao su các doanh nghiệp Việt Nam đã trồng được tại Campuchia là hơn 180 nghìn ha, trong đó, VRG đã trồng được hơn 90 nghìn ha. Hiện nay, đã có hơn 3.000 ha diện tích cao su của các doanh nghiệp Việt Nam được đưa vào khai thác, trong đó VRG đã đưa vào khai thác trên diện tích gần 2.000 ha, và đang chuẩn bị cho công tác khai thác đại trà trên các vùng dự án bắt đầu vào năm 2017.

Đại diện một số tỉnh của Campuchia, nơi có các dự án trồng cao su của các doanh nghiệp Việt Nam đang được triển khai, đã phát biểu ý kiến, đánh giá cao việc các doanh nghiệp cao su Việt Nam nghiêm chỉnh tuân thủ luật pháp Campuchia, tôn trọng phong tục, tập quán của người dân bản địa, đóng góp tích cực vào hoạt động an sinh xã hội của địa phương. Đại diện chính quyền địa phương Campuchia cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình triển khai dự án trồng cao su tại các địa phương của Campuchia.

Tại cuộc gặp mặt, đại diện Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan Campuchia đã giải thích, trao đổi ý kiến với đại diện VRG và một số doanh nghiệp cao su Việt Nam về những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải, chủ yếu xoay quanh vấn đề thuế, ký lại hợp đồng đất tô nhượng kinh tế, thủ tục lập báo cáo tài chính,nhập khẩu vật tư, trang thiết bị, xuất khẩu cao su và thủ tục cấp chứng chỉ xuất xứ.

Công sứ Nguyễn Trác Toàn và Tổng Giám đốc VRG Trần Ngọc Thuận đều cho rằng, thành công của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Campuchia không thể tách rời sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ và các cơ quan hữu quan Campuchia; đồng thời bày tỏ mong muốn, với những khó khăn xuất phát từ thực tế mà các doanh nghiệp trồng cao su của Việt Nam đang gặp phái hiện nay như giá cao su xuống thấp, thời gian thuê đất bị rút ngắn, doanh nghiệp chưa hiểu kỹ luật pháp Campuchia…., Chính phủ Campuchia sẽ dành cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực trồng cao su – một lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi đầu tư dài hạn, thời hạn thu hồi vốn chậm, nhiều rủi ro – được hưởng cơ chế ưu đãi đặc thù, để hỗ trợ các doanh nghiệp trụ vững, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất thời hiện nay, đạt hiệu quả kinh tế, và qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội Campuchia về lâu dài.

Đánh giá về kết quả cuộc gặp lần này, Trưởng Văn phòng đại diện VRG tại Campuchia Oknha Leng Rithy cho rằng, trong số nhiều khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp cao su Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia, có ba vấn đề lớn đã có hướng giải quyết ngay tại cuộc họp lần này.

Thứ nhất, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các công ty ký lại hợp đồng tô nhượng kinh tế (Campuchia đã quyết định điều chính thời gian tô nhượng kinh tế cho các doanh nghiệp phát triển cao su và cây công nghiệp khác từ 90 năm và 70 năm xuống còn 50 năm – PV), để tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý trong tiến trình triển khai các dự án của doanh nghiệp.

Thứ hai là giải quyết việc các doanh nghiệp cao su Việt Nam được đóng thuế đất tô nhượng theo giấy phép khai hoang, có nghĩa là doanh nghiệp khai hoang tới đâu đóng tới đó, chứ không phải đóng một lần vào bắt đầu năm thứ sáu (theo quy định của Campuchia, trong năm năm đầu triển khai dự án, các doanh nghiệp cao su Việt Nam được miễn nộp thuế đất tô nhượng kinh tế), như vậy là đã giảm đi gánh nặng về kinh tế cho các doanh nghiệp.

Thứ ba là sau khi Tổng giám đốc VRG Trần Ngọc Thuận yêu cầu nghiên cứu lại thuế thu nhập bất thường (Luật thuế Campuchia hiện nay ấn định thuế thu nhập bất thường với thuế suất 20% đối với các khoản như: tiền nhà ở cho công nhân, chi phí mua gạo, thực phẩm cấp thêm cho công nhân người Campuchia – PV), đại diện các cơ quan hữu quan của Campuchia có mặt tại cuộc gặp lần này hứa sẽ gửi gấp văn bản tới Bộ Tài chính Campuchia để ra thông báo hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề này. Bởi vì, các khoản chi phí này chủ yếu tạo điều kiện cho đội ngũ công nhân lao động người bản địa có thêm thu nhập và cuộc sống tốt đẹp hơn. Việc áp thuế suất này tác động lớn đến tâm lý của cán bộ, công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp trồng cao su, đồng thời làm tăng suất đầu tư của các dự án.

Theo ông Leng Rithy, những khó khăn khác mà các doanh nghiệp cao su Việt Nam đang gặp phải, sẽ được giải quyết từng bước theo cơ chế đặc biệt mà Phó Thủ tướng Yim Chhay Ly đã kết luận tại cuộc họp lần này, đó là Văn phòng Đại diện VRG kết hợp với Đại Sứ quán Việt Nam đồng hành cùng Văn phòng của Phó Thủ tướng đi các tỉnh, thành phố và tới các bộ, ngành có liên quan của Campuchia để tiếp tục tháo gỡ cho các doanh nghiệp cao su của Việt Nam nói chung và VRG nói riêng.

Bình luận của bạn