TNG và giấc mơ “Uniqlo”

Chỉ mất 10 năm ông Nguyễn Văn Thời đã chèo lái đưa TNG từ một xí nghiệp may nhỏ bé thuộc sở hữu nhà nước, trở thành một trong 10 DN lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực dệt may.

Người đàn ông này còn muốn đưa Cty của mình thành một Uniqlo của Việt Nam trong vòng 10 năm tới. 

Với một vẻ dứt khoát và đầy lạc quan, ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch hội đồng quản trị Cty TNG đã không do dự trả lời câu hỏi về kỳ vọng của ông đối với Cty trong những năm sắp tới: “Mục tiêu của chúng tôi là nhất (lớn nhất) Việt Nam.”

Khi thương hiệu TNG vẫn còn lạ lẫm với nhiều người tiêu dùng trong nước, tuyên bố trên của ông Thời có thể gây nghi hoặc cho nhiều người. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những gì TNG đã gây dựng được hiện nay, tuyên bố trên không phải là không có cơ sở.

Sự trở mình ngoạn mục

Được thành lập từ năm 1979 trên cơ sở hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia Đông Âu, khi đó TNG chỉ là một xí nghiệp may nhỏ có tên là Xí nghiệp may Việt – Đức, chuyên may đồ bảo hộ và xuất sang các nước Đông Âu. Năm 1993 ông Thời đã được điều động về làm giám đốc xí nghiệp. Nhưng theo lời ông Thời, giai đoạn đó dù hoạt động của xí nghiệp “có khởi sắc đôi chút, nhưng hiệu quả nó cứ đi đâu hết”.

Sự khởi sắc mới chỉ thực sự diễn ra sau khi xí nghiệp chính thức được cổ phần hóa hoàn toàn và hình thành lên Cty TNG, với 75% số cổ phần do ông Thời nắm giữ. Sau cổ phần hóa, mọi quyết định được đưa ra nhanh hơn, cùng thời điểm công ty cũng ký được những hợp đồng gia công cho các thương hiệu nước ngoài để xuất khẩu vào các thị trường EU và Mỹ. Khi việc kinh doanh thuận lợi và hợp đồng nhiều hơn, thì nhu cầu đầu tư mở rộng cũng xuất hiện. Nhưng một vấn đề gặp phải là vốn không đủ để đầu tư vào thời điểm đó. TNG đã có một quyết định đột phá, đó là niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội vào năm 2007 để huy động vốn đầu tư mới.

“Với cá nhân tôi, đó là một quyết định dũng cảm. Vì một khi vốn chủ sở hữu của Cty càng lớn thì quyền chi phối của tôi ở Cty càng giảm đi. Không nhiều người dám làm điều đó,” ông Thời chia sẻ. Nhưng theo ông, cái giá nhận được là xứng đáng với sự hi sinh. Nhờ huy động vốn qua thị trường chứng khoán, TNG đã có bước nhảy vượt bậc.

Vào thời điểm 2003, vốn điều lệ của TNG chỉ vỏn vẹn có 10 tỷ đồng, một nhà máy và hai dây chuyền sản xuất. Đến nay, TNG có vốn chủ sở hữu là hơn 262 tỷ đồng, 11 nhà máy may, hai nhà máy phụ trợ và tổng tài sản đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Các nhà máy của công ty dường như đã có mặt ở tất cả các huyện và thành phố của tỉnh Thái Nguyên. Với quy mô đó, TNG đã được xếp hạng “TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam” và “TOP 10 doanh nghiệp lớn nhất nghành dệt may Việt Nam”. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong những năm qua của công ty luôn đạt trên ở mức 12%, dù chưa phải là cao nhất trong các doanh nghiệp dệt may, nhưng cũng đã cho thấy hiệu quả hoạt động của TNG.

Trong bối cảnh Việt Nam sắp sửa tham gia một loạt các hiệp định tự do thương mại với EU và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành dệt may sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Và tất nhiên, điều này cũng mang lại nhiều cơ hội cho hoạt động kinh doanh của TNG trong tương lai.

“Chúng tôi mất 10 năm để được như ngày hôm nay, tôi tin rằng trong 10 năm nữa TNG sẽ là công ty hàng đầu về dệt may ở Việt Nam”, ông Thời khẳng định.

Bài học “Uniqlo”

Nếu chỉ đơn giản là bám vào những hợp đồng gia công cho các thương hiệu thời trang để tăng trưởng, có lẽ TNG đã đạt được mục tiêu của mình. Nhưng ông Thời không muốn dừng lại ở đó.

“Bản thân tôi cũng suy nghĩ rằng TNG sau này dứt khoát phải sản xuất hàng mang thương hiệu của TNG. Với suy nghĩ như thế tôi đã thành lập một công ty cổ phần, công ty cổ phần thời trang TNG, và sử dụng luôn thương hiệu TNG,” ông Thời chia sẻ.

Hiện tại, phần lớn doanh thu của TNG vẫn đến từ mảng gia công cho các thương hiệu nước ngoài, và mảng này sẽ chắc chắn còn là trụ cột trong vài năm nữa. Nhưng đứa con cưng mà ông Thời cho rằng sẽ đưa công ty lên tầm cao mới chính là thương hiệu thời trang TNG, do chính Cty thiết kế và kinh doanh.

Đối với thị trường phía nam, thương hiệu thời trang TNG vẫn còn xa lạ, nhưng ông Thời đã thành công khi phủ sóng hệ thống đại lý và cửa hàng TNG khắp các tỉnh phía bắc, kéo dài từ Lạng Sơn cho tới Quảng Bình. Tại Hà Nội, một loạt hệ thống cửa hàng của TNG đã mở ra ở những vị trí thuận tiện cho việc thu hút người tiêu dùng nhất như tại Time City, Royal City hay trung tâm thương mại Savico Long Biên.

Việc bán hàng, theo ông Thời, là rất tốt. “Tại thời điểm này so với thời điểm năm trước có những ngày chúng tôi đã bán tăng lên gấp ba lần. Bình quân bây giờ tăng so với năm ngoái vào cỡ 160%, như vậy là tốt” – ông Thời nhấn mạnh và cho biết thị trường miền trung và miền nam sẽ được phát triển trong năm nay và năm sau.

Có thể nói TNG là Cty sinh sau đẻ muộn trong mảng kinh doanh thời trang ở Việt Nam, nếu so với những tên tuổi đã gặt hái được ít nhiều thành công như An Phước, Việt Tiến hay May 10. Nhưng ông Thời cho rằng mình đang đi theo một lối hoàn toàn khác, bền vững hơn nhiều. Đó là thay vì ký hợp đồng nhượng quyền thương mại với các hãng nổi tiếng trên thế giới như An Phước đã từng làm, TNG tự thiết kế và xây dựng một thương hiệu riêng của mình. Cách mà ông Thời cho rằng sẽ giúp TNG tiến từng bước đi chậm mà chắc.

Để đảm bảo sản phẩm của mình phù hợp với thị hiếu giới trẻ và cả người tiêu dùng ở lứa tuổi trung niên, TNG đã thuê nhà thiết kế Minh Hạnh làm tư vấn mẫu thời trang, và ông Lê Quốc Ân – Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam – tư vấn về phát triển mạng lưới bán hàng và quảng bá sản phẩm.

“Định hướng của chúng tôi đang học tập theo Uniqlo” – ông Thời chia sẻ về chiến lược phát triển thương hiệu riêng của mình. Làm theo Uniqlo có nghĩa là tập trung vào những sản phẩm phổ thông dành cho đa số chứ không nhắm sản phẩm đắt tiền chỉ dành cho số ít khách hàng.

Theo ông Thời, TNG sẽ có cơ hội bứt phá nhanh hơn so với các Cty may trong nước khác, do TNG hiện tại là Cty tư nhân. “Khi cổ phần hóa hoàn toàn, tôi có lợi thế ra quyết định nhanh hơn, từ có quyền tự quyết cho các kế hoạch kinh doanh của mình, không như những Cty may vẫn bị Nhà nước chi phối như Việt Tiến hay May 10” – ông Thời nói.

Để phát triển thương hiệu nhanh chóng, TNG đang bán hàng với mức giá vừa phải, dao động từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng cho một sản phẩm thời trang nữ. Tất cả các đại lý và cửa hàng của TNG đều bán cùng một mức giá, trong khi TNG cũng đã biết tận dụng mạng xã hội facebook để giới thiệu những mẫu quần áo mới nhất của mình, với hàng chục nghìn lượt “like” cho mỗi sản phẩm.

Thế hệ nối tiếp

Ông Thời sinh năm 1958, nay cũng xấp xỉ vào cái tuổi lục tuần. Cái tuổi mà ông cho rằng ông có lợi thế phát triển do đã tích lũy được kinh nghiệm, vốn và quan hệ. Nhưng chắc chắn rằng cũng có lúc ông phải nghỉ và phải có ai đó tiếp bước ông thực hiện giấc mơ trở thành Uniqlo của Việt Nam. Thực tế việc chuyển giao thế hệ đã được tiến hành những năm gần đây. Hiện tại, TGĐ của TNG, ông Nguyễn Văn Thới, chính là em trai ông Thời và đang ở độ tuổi tứ tuần. Phó tổng giám đốc kiêm giám đốc Cty Thời trang TNG, ông Nguyễn Đức Mạnh, là con trai cả ông Thời. “Mạnh đang làm rất tốt, tất cả quyền điều hành Cty thời trang đều tự do Mạnh làm, tôi không tham gia vào nhiều” – ông Thời nhận xét về Mạnh và tỏ ra tự tin người con trai sinh năm 1983 của ông hoàn toàn có đủ khả năng dẫn dắt TNG sau này.

Được đào tạo 5 năm ở Mỹ chuyên ngành công nghệ thông tin, và 5 năm ở Trung Quốc chuyên về học tiếng Trung, Nguyễn Đức Mạnh được bố đánh giá là được đào tạo bài bản cho dù những kinh nghiệm anh có được trong ngành dệt may đều do bố truyền lại. Người con thứ hai hiện cũng theo học bên Mỹ và một người cháu học tại Trung Quốc chuyên ngành dệt may cũng được kỳ vọng sẽ về làm việc tại TNG vài năm tới.

“Trong các Cty dệt may Việt Nam, không Cty nào có thế hệ kế cận bền vững như ở đây”- ông Thời nói và bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai lâu dài của TNG.
 

Bình luận của bạn