Tỏa sáng nông sản miền Trung

Tại Lễ trao giải thưởng “Doanh nghiệp vì nhà nông” lần thứ I do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức năm 2015, chúng tôi tình cờ gặp Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (TCTTMQT) Hồ Xuân Hiếu.

Danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông” được trao tặng cho doanh nghiệp trong cả nước có đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn. TCTTMQT hơn 40 năm có mặt trên “vùng đất lửa” Quảng Trị luôn đồng hành cùng nhà nông, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Với riêng tôi, doanh nghiệp không hề xa lạ. Xuất phát điểm là doanh nghiệp nhà nước, kinh doanh bách hóa, vải sợi… Khi chuyển sang cơ chế thị trường, công ty đã tìm hướng đi riêng cho mình, hướng về nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, vốn cố định của công ty trên 200 tỷ đồng. Nếu thu nhập người lao động năm 2005 là 0,65 triệu đồng, năm 2015 tăng lên 8,7 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh trên 4 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - vui mừng: TCTTMQT là doanh nghiệp vững vàng, nhiều triển vọng, xứng đáng nhận được niềm tin yêu của đông đảo người lao động. Công ty đã tạo dựng được thương hiệu mạnh. Các mặt hàng của công ty: Tinh bột sắn Hướng Hóa, cao su Cam Lộ, tiêu Cùa, gạo huyết rồng Triệu Phước, nem Hải Lăng, môn Vĩnh Linh, viên gỗ năng lượng, trà gừng, trà gạo lức… được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao.

Ông Hồ Xuân Hiếu tâm sự: Năm 2004, công ty xây dựng nhà máy tinh bột sắn tại Hướng Hóa với mục tiêu giúp dân thoát nghèo. 7 năm đi vào hoạt động, ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi bà con các dân tộc trên dãy Trường Sơn đã biết làm giàu. Mỗi năm, người dân Hướng Hóa thu về trên 100 tỷ đồng từ bán sắn củ tươi cho công ty. Hàng trăm hộ dân thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Cây sắn giúp bà con thoát được đói, giảm được nghèo và vươn lên làm giàu. Từ thành công với cây sắn, công ty quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản ở Đông Hà với mục tiêu tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Từ đó, đưa hàng nông sản của tỉnh đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, hướng tới thành lập sàn giao dịch nông sản trên địa bàn.

Để có được thành công như ngày hôm nay, TCTTMQT đã đầu tư rất nhiều công sức và tâm sức. Với cây sắn, từ chỗ trồng ban đầu theo kinh nghiệm, công ty đã mở lớp dạy nghề trồng sắn cho bà con nông dân với sự tham gia của trên 2.000 học viên. Hình thức đào tạo nghề chủ yếu “bắt tay chỉ việc”, học tập ở các vùng trồng nguyên liệu khác trong nước; mời chuyên gia về đào tạo trực tiếp cho người nông dân, thậm chí đưa sang học tập ở Thái Lan.

Ông Pả A Dỗ - thôn Thanh 4, xã Thanh, huyện Hướng Hóa - cho biết: Trong 7 ngày, ông và một số nông dân Hướng Hóa được công ty đưa đến thăm vùng chuyên canh sắn ở tỉnh Nakorn Ratchasrima, Kalasin (Thái Lan); thăm Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty TNHH Chokyuenyoung; nghe giảng viên của Phân hiệu Đại học Nông nghiệp Ubon Ratchatthani giới thiệu về nghề trồng sắn ở đất nước bạn. Nhờ đó, ông được cung cấp thêm rất nhiều thông tin về kỹ thuật thâm canh, cách chọn giống phù hợp với thổ nhưỡng, biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho cây sắn... Ông mang về áp dụng phương pháp trồng cho cây sắn ở vùng Lìa, huyện Hướng Hóa. Cũng nhờ cây sắn, thu nhập của gia đình ông nay đã đạt 200 triệu đồng/năm. Không những vậy, nông dân Hướng Hóa - thành viên của “câu lạc bộ 100 triệu đồng” còn được nhà nước Đông Timor mời sang hướng dẫm cho nông dân nước họ.

Cũng theo ông Hồ Xuân Hiếu, “cái gì không biết phải học”. Đến Thái lan học cách trồng sắn, tôi mới hiểu tại sao Thái Lan lại trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm liên quan đến sắn hàng đầu thế giới. Hay để nâng chất lượng cây tiêu Cùa, công ty đã thuê chuyên gia từ Gia Lai kết hợp với kỹ sư nông nghiệp công ty hỗ trợ nông dân tiến hành trồng mới và phục hồi cây đặc sản này.

Với tâm niệm sản xuất, kinh doanh phải có giải pháp bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, TCTTMQT xây dựng dây chuyền sản xuất phân vi sinh tại nhà máy chế biến tinh bột sắn nhằm tận dụng 100% phế thải của quá trình chế biến củ sắn tươi. Mỗi năm dây chuyền này sản xuất khoảng 5.000 tấn phân. Ông Andrew Head - Phó giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - trong một lần đến thăm nhà máy thốt lên: “Câu chuyện sản xuất phân bón vi sinh giá rẻ cho cây sắn của TCTTMQT minh chứng cho sự sáng tạo của doanh nghiệp mà đứng đầu là ông Hồ Xuân Hiếu – Tổng giám đốc”.

Bên cạnh đó, góp sức cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, công ty đã hỗ trợ xây dựng nhiều tuyến đường liên thôn, xã miền núi, tạo điều kiện đi lại cho người dân và phương tiện cơ giới tham gia sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, việc xây dựng chợ nông thôn được TCTTMQT hết sức quan tâm. Công ty đầu tư xây dựng chợ ở vùng miền núi như: Chợ Tà Rụt, chợ Hướng Phùng, Trung tâm Thương mại A Túc.

Đánh giá chung về kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2015, ông Hiếu vui mừng: Công ty đều đạt và vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu đề ra. Cụ thể: Tổng doanh thu ước đạt trên 700 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch; lợi nhuận đạt 12 tỷ đồng; nộp ngân sách địa phương ước trên 31 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty đảm bảo thu nhập ổn định cho gần 600 cán bộ, công nhân viên. Đáng chú ý, xuất khẩu đạt hơn 20 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chính gồm: Tinh bột sắn, cao su, viên gỗ nén. Thị trường xuất khẩu được mở rộng đến 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu... Sản phẩm công ty có mặt ở thị trường 42 tỉnh, thành phố cả nước.

Bình luận của bạn