Tổng Công ty Giấy Việt Nam: Một năm vượt khó
Năm 2019, Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) đã phải trải qua một năm nhiều khó khăn thách thức. Nhưng với nỗ lực của cả tập thể, Vinapaco đã vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ và đề ra các giải pháp tổng thể trong năm 2020 này.
Một năm nhiều khó khăn với ngành giấy
Báo cáo tại hội nghị tổng kết hoạt động (sản xuất kinh doanh) SXKD năm 2019 ngày 15/1 vừa qua, Tổng giám đốc Vinapaco Nguyễn Việt Đức cho biết: Năm 2019, Vinapaco đối diện với nhiều thách thức bởi sự sụt giảm nhanh về giá bột giấy, giấy in, viết và photocopy (tại khu vực và trên thế giới), đồng thời xuất khẩu giấy của Trung Quốc vào Mỹ gặp khó khăn dẫn tới nhập khẩu giấy in, giấy viết từ Trung Quốc vào một số nước châu Á, Việt Nam tăng mạnh… Điều đó dẫn đến các sản phẩm giấy của Vinapaco phải cạnh tranh gay gắt hơn, giá bán điều chỉnh giảm sâu.
Ngoài ra, sản xuất giấy in, viết trong nước tăng (so với năm 2018) nhưng tiêu thụ lại sụt giảm, dây chuyền thiết bị quá cũ (năng suất chạy máy thấp, thiếu ổn định...) giá một số nguyên liệu đầu vào như than, điện tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp. Năm 2019, tại Vinapaco, Công ty mẹ ước đạt 2.304 tỷ đồng doanh thu (bằng 88% kế hoạch năm) đồng thời lợi nhuận ước đạt 67,5 tỷ đồng. Nộp ngân sách ước thực hiện 100 tỷ đồng.
Khối công nghiệp Vinapaco sản xuất được 105.630 tấn giấy (các loại) và 61.030 tấn bột giấy, đồng thời tiêu thụ được 104.725 tấn giấy. Khối lâm nghiệp Vinapaco thực hiện trồng được 1.880 ha; chăm sóc 6.512 ha, bảo vệ 10.261 ha rừng khép tán, đồng thời thực hiện khai thác và tiêu thụ 114.401 m3 gỗ nguyên liệu giấy...
Công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa tại Vinapaco tiếp tục gặp nhiều vướng mắc. Tổng giám đốc Nguyễn Việt Đức cho biết, đến nay Vinapaco đang báo cáo UBND các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Tuyên Quang, Kon Tum (nơi có các công ty lâm nghiệp của Vinapaco) về phương án sử dụng đất và đề án sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp, báo cáo Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt đề án tái cơ cấu để triển khai thực hiện...
Cũng trong tháng 10/2019, Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) chính thức ra mắt sản phẩm giấy copy mới với những thay đổi toàn diện từ chất lượng đến bao bì, thiết kế.
Sản phẩm mới đã khắc phục hầu hết những khuyết điểm như cong, kẹt, nhăn, kẹp díp tờ, dễ dàng đảo in 2 mặt trong quá trình photocopy, in văn phòng đồng thời đổi mới hoàn toàn, có tính đột phá ở mẫu mã (thiết kế tươi mới khác biệt) cũng như chất liệu bao bì (vật liệu có tính chống ẩm cao giúp bảo quản tốt chất lượng sản phẩm). Sản phẩm mới đạt đến độ hoàn thiện về độ bền bề mặt, độ láng của giấy, đanh cứng, độ bám đều tốt, bắt mực cao, tạo ra bản in đậm rõ nét… Đồng thời với việc ra mắt sản phẩm mới, Vinapaco được ghi nhận là có chuyển biến mạnh mẽ trong công tác nhiều thay đổi trong chính sách bán hàng, hướng tới khách hàng mang tính cạnh tranh hơn. Cụ thể Vinapaco xây dựng, cơ cấu lại hệ thống phân phối, thuận tiện quá trình giao dịch chăm sóc khách hàng, vận chuyển, đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng… với mục tiêu phủ sóng tại 63 tỉnh, thành; Đồng thời chia thị trường thành các khu vực, với cơ cấu, phương thức hoạt động, mạng lưới nhân sự thay đổi đáng kể để thuận tiện trong công tác quản lý cũng như gia tăng sự tiếp cận sâu hơn nữa với khách hàng …
Giải pháp toàn diện cho năm 2020
Năm 2020, Vinapaco đặt ra chỉ tiêu: giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.994 tỷ đồng (bằng 102% so với cùng kỳ năm trước); tổng doanh thu 2.255 tỷ đồng; nộp ngân sách 129 tỷ đồng; lợi nhuận 70 tỷ đồng; sản xuất 108.500 tấn (giấy các loại): 64.500 tấn bột giấy, tiêu thụ 108.500 tấn (giấy các loại); khai thác 127.993 m3 gỗ nguyên liệu giấy; rồng mới 1.847 ha rừng...
Để hoàn thành mục tiêu này, năm 2020 Vinapaco sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Thứ nhất là quản trị tốt nguồn nhân lực, định mức kinh tế kỹ thuật (ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng dữ liệu và xử lý thông tin về định mức kinh tế kỹ thuật); Quyết liệt các giải pháp nhằm ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm giấy, kiểm tra giám sát, tuân thủ các quy định của hệ thống quản lý chất lượng…
Thứ hai, trong công tác tiêu thụ, Vinapaco sẽ giám sát chặt chẽ không để việc bán hàng qua đại lý làm phát sinh công nợ phải thu khó đòi; củng cố, kiện toàn bộ máy, đội ngũ bán hàng tại Tổng Công ty và chi nhánh theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp cao ; tổ chức nghiên cứu, phân tích dự báo thị trường, đề xuất giải pháp tiêu thụ hiệu quả…
Thứ ba, đối với khối lâm nghiệp, Tổng công ty sẽ thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến về chủ trương tái cơ cấu, sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp; triển khai thực hiện tốt cơ chế quản lý tài chính của các công ty lâm nghiệp; xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sáp nhập ngay khi đề án tái cơ cấu của Tổng Công ty được phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ áp dụng khoa học tiên tiến vào quản lý đất đai, quản lý rừng trồng nguyên liệu giấy…
Thứ tư, về quản lý lao động, Vinapaco cũng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp về tuyển dụng, đào tạo, thu nhập gắn liền với trách nhiệm, hiệu quả và tăng cường thực hiện các giải pháp về quản lý lao động áp dụng cơ chế khoán trong sản xuất kinh doanh công nghiệp, lâm nghiệp...