Trách nhiệm của doanh nghiệp trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn
Hiện nay, việc phòng chống và đẩy lùi tình trạng thực phẩm bẩn không phải của riêng một bộ, ngành, cơ quan hay địa phương nào, mà đã trở thành trách nhiệm của cả quốc gia.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm |
Đây là ý kiến của các đại biểu tại buổi tọa đàm “Doanh nghiệp phải làm gì trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn” do báo Diễn đàn doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm nay (4/5) tại Hà Nội.
Tại tọa đàm các đại biểu nhận định, hiện nay thực phẩm bẩn không chỉ xuất hiện ở các chợ, ở những gánh hàng rong, mà còn có trong các siêu thị uy tín, nơi mà rất đông người tiêu dùng tin tưởng là đảm bảo chất lượng. Điều đó khiến cho người tiêu dùng rơi vào “ma trận” hàng hóa và không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch.
Tình trạng thực phẩm bẩn thực sự là vấn đề đáng báo động không chỉ đối với hàng xuất khẩu mà còn đối với hàng hóa nội địa. Thêm vào đó, đã có trường hợp hàng hóa được xuất khẩu ở nước ta bị trả lại. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới uy tín quốc tế của hàng Việt Nam.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hiện nay chiếm tỷ lệ lớn các loại rau bán trên thị trường là không an toàn. “Hiện chúng ta mua bán rất phức tạp, lòng vòng không có địa chỉ, mua bán bằng tiền mặt, mua xong tay là xong. Cho nên tôi cho rằng vấn đề tổ chức vận động hàng hóa để đảm bảo an toàn là quan trọng nhất. Phải có những địa chỉ, cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm. Hiện nay, không khí của chúng ta bẩn, đất bẩn, nước bẩn thì không thể có rau an toàn, trừ khi làm trong nhà kính cải tạo đất hữu cơ. Hiện nay có tới 95% là rau không an toàn,” ông Phú cho hay.
Theo các chuyên gia, mặc dù chúng ta đã có quy định của pháp luật để quản lý và quy định các khung hình phạt nhưng không thể triệt tiêu tận gốc vấn đề, tình trạng vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng.
Do đó, giải quyết tình trạng này, Nhà nước nên đẩy mạnh xây dựng các công cụ để kiểm soát an toàn thực phẩm. Cùng với tăng yếu tố “sạch” trong sản xuất, phân phối thực phẩm phải nâng cao chất lượng, điều kiện sống của người dân thì mới có thể “lọc” thực phẩm bẩn ra khỏi bữa ăn.
Để ràng buộc trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm cần xây dựng chuỗi sản xuất để nếu một cơ sở trong chuỗi vi phạm sẽ bị đào thải ra khỏi thị trường. Thêm vào đó là cần có một Hiệp hội các nhà sản xuất liên kết với nhau cùng sản xuất sản phẩm sạch để kiểm soát chéo lẫn nhau. Về phía doanh nghiệp phải thay đổi tư duy sản xuất, cần xây dựng chuỗi cung ứng hệ sinh thái sản xuất để có thể kiểm soát được chất lượng trong khâu sản xuất.
Ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: để giải quyết tình trạng này, chiến lược lớn nhất của Bộ là tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.