Việt Nam đang là cực tăng trưởng hút nhà đầu tư ngoại
Việt Nam đang được đánh giá là một trong những cực tăng trưởng hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong xu hướng chung của Châu Á và khu vực ASEAN.
Sáng 24/8, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư TP.Hà Nội, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tổng vốn đầu tư FDI toàn cầu đạt 1.300 tỷ USD. Riêng vốn đầu tư vào khu vực châu Á đạt khoảng 500 tỷ USD, và khu vực ASEAN thu hút được khoảng 136 tỷ USD. Năm 2015, dự báo tổng vốn FDI toàn cầu sẽ đạt khoảng 1.400 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2014.
Theo con số này, hiện khu vực ASEAN duy trì mức tăng 15,7%, trong khi toàn cầu giảm 16%. Đây chính là cơ sở để đánh giá khu vực này là cực tăng trưởng quan trọng trong thời gian tới, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam đang là cực nam châm hút nhà đầu tư ngoại
Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài, mỗi năm nước ta thu hút được khoảng trên dưới 20 tỷ USD vốn FDI. Mặc dù số vốn đầu tư vào Việt Nam có chững lại và giảm đi, song vốn giải ngân và số dự án lại tăng lên, đạt trên 11 tỷ USD.
Dẫn chứng, trong 7 tháng đầu năm 2015, số vốn đăng ký và cấp mới tăng thêm 8,8 tỷ USD, giảm 7,6%. Song vốn giải ngân mặc dù chỉ đạt 7,4 tỷ, tăng 8,8% so với cùng kỳ.
“Vốn giải ngân tăng là vốn thực chất, cho thấy nhà đầu tư đã vào Việt Nam và có niềm tin để giải ngân, tiếp tục mở rộng các dự án đầu tư. Số dự án cũng tăng trên 20%, tính đến ngày 31/7 còn tăng thêm 5% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn các dự án đầu tư có quy mô dưới 1 triệu USD, chiếm tới 53,9%”, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài nói.
Đặt trong bối cảnh Việt Nam đang có nhiều thuận lợi, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, để thu hút FDI vào Việt Nam cũng cần phải có những hành động cụ thể, tạo sự chuyển biến trong khâu làm chính sách và thực thi chính sách.
Mặc dù hiện nay Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã có hiệu lực, nhưng một số nghị định hướng dẫn vẫn chưa được ban hành, khiến cho nhà đầu tư có tâm lý chờ hướng dẫn được ban hành đầy đủ mới có quyết định đầu tư chính thức.
Những khoảng cách giữa chính sách và thực thi cũng đang là rào cản cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó là điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được, nguồn nhân lực qua đào tạo thiếu và yếu; công nghiệp phụ trợ manh mún, chưa đáp ứn nhu cầu; cạnh tranh gay gắt giữa các nước trong thu hút FDI…
Nguồn: Báo Việt Q