Việt Nam lọt vào top 3 gạo ngon thế giới
Việc lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới sẽ là tiền đề quan trọng giúp khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Gạo Việt Nam, mà cụ thể là của Tập đoàn Lộc Trời, đã được Tổ chức nghiên cứu lúa gạo thế giới (The Rice Trader) công nhận lọt vào top 3 chung kết gạo ngon nhất thế giới năm 2015 tại cuộc thi được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị gạo thế giới năm 2015 diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia, từ 28 đến 30-10-2015 vừa qua.
Trao đổi hôm nay, 3-12, ông Phạm Thanh Thọ, Phó giám đốc ngành lương thực của Tập đoàn Lộc Trời, cho biết tại hội nghị lúa gạo thế giới diễn ra hàng năm tại các nước xuất và nhập khẩu gạo, thì The Rice Trader đều có tổ chức cuộc thi đấu xảo gạo ngon để các nước xuất khẩu và có trồng lúa tham gia “tranh tài”.
Ông Thọ nói rằng The Rice Trader là một tổ chức nghiên cứu lúa gạo hàng đầu của thế giới và hội thi đấu xảo gạo ngon cũng là cuộc thi quy tụ những người có kinh nghiệm nhất trong ngành gạo chấm chọn nên rất có uy tín.
“Trong 6 lần tổ chức trước đây, theo tôi được biết chưa có doanh nghiệp nào của Việt Nam mang gạo đi tham dự hết, bởi họ đâu có sở hữu giống lúa. Còn các cơ quan nghiên cứu trong nước có đi dự, nhưng cũng chỉ với vai trò là diễn giả thôi”, ông cho biết.
Theo ông Thọ, trong năm 2015 - tức lần thứ 7 The Rice Trader tổ chức cuộc thi này - Tập đoàn Lộc Trời đã chủ động mang hai giống gạo thơm do đơn vị ông nghiên cứu ra là giống AGPPS 140 và AGPPS 103 đến “tranh tài” cùng với các quốc gia khác như Mỹ, Thái Lan, Campuchia…
Kết quả cuộc thi, theo ông Thọ, có ba giống được chọn vào vòng chung kết xếp hạng gạo ngon nhất thế giới, gồm giống gạo thơm California của Mỹ, giống gạo thơm Jasmine Rice của Campuchia, và giống AGPPS 103 của Tập đoàn Lộc Trời, “nhưng khi người ta trao cúp, thì trao cho gạo thơm California của Mỹ và công bố mình (Tập đoàn Lộc Trời) lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới và có cấp cho mình một cái chứng nhận”, ông Thọ nói.
Theo ông Thọ, để tham dự cuộc thi, Tập đoàn Lộc Trời phải chứng minh cho The Rice Trader biết giống AGPPS 140 và AGPPS 103 là của doanh nghiệp ông, tức doanh nghiệp đang sở hữu nó.
Ngoài ra, cũng theo ông Thọ, đơn vị ông phải gửi những hồ sơ liên quan đến các tiêu chuẩn về chất lượng, tên giống, đặc điểm giống …
“Nói chung, phải có bộ hồ sơ về tiêu chuẩn, nguồn gốc của giống và đảm bảo giống đó đang được trồng đúng ở Việt Nam và người nghiên cứu mang đi phải là chủ sở hữu của giống đó. Chúng tôi phải gửi tất cả các hồ sơ đó và cam kết phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với giống đó”, ông cho biết.
Việc lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới sẽ là tiền đề quan trọng giúp khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây cũng là một tín hiệu được dự báo sẽ là điều kiện giúp xuất khẩu gạo Việt Nam được thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Theo ông Thọ, sắp tới, Tập đoàn Lộc Trời sẽ tiếp tục tham dự cuộc thi này bằng một số giống gạo thơm đặc sản do đơn vị ông nghiên cứu ra.