Viettel trở thành doanh nghiệp duy nhất thống lĩnh thị trường di động

Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp viễn thông duy nhất ở Việt Nam có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ thông tin di động mặt đất, gồm dịch vụ điện thoại, nhắn tin và truy cập Internet.

alt

Sau hơn mười năm, Viettel trở thành doanh nghiệp duy nhất có vị trí thống lĩnh thị trường viễn thông di động. 

Thông tin trên được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra trong Thông tư số 15/2015/TT-BTTTT về việc sửa đổi một số quy định của Thông tư số 18/2012/TT-BTTTT vừa được ban hành.

Trước đó, ở Thông tư số 18, cả Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Viettel đều được xếp là doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường. Nay, chỉ Viettel còn ở lại vị trí này.

Theo Điều 11 của Luật Cạnh tranh, các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường có thị phần từ 30% trở lên hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. 

Trên thực tế, khi tái cấu trúc VNPT, MobiFone đã tách ra khỏi tập đoàn này và trở thành doanh nghiệp độc lập. Thêm vào đó, số liệu mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, Viettel hiện kiểm soát 52,2% thị phần, VinaPhone và MobiFone đang nắm giữ khoảng 18%. Như vậy, điều này đồng nghĩa việc MobiFone và VinaPhone đều thấp hơn mức 30% thị phần mà Luật Cạnh tranh đưa ra.

Cũng theo Luật Cạnh tranh, các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường sẽ bị cấm các hành vi như bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh; Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng; Áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh; Ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới…

Theo quy định, các doanh nghiệp thống lĩnh sẽ bị quản chặt hơn, ví dụ như khi thay đổi đổi giá cước, khuyến mại giảm giá dịch vụ thì sẽ phải đăng ký với Cục Viễn thông và triển khai nếu được chấp thuận. Còn với các doanh nghiệp không nằm trong nhóm thống lĩnh như Vietnamobile, MobiFone, VinaPhone, Gtel chỉ cần thông báo với Cục Viễn thông khi điều chỉnh giá cước và thực hiện khuyến mãi giảm giá đối với dịch vụ thông tin di động…

Như vậy, từ một doanh nghiệp mới, luôn kêu ca bị o ép, sau hơn mười năm, Viettel đã trở thành doanh nghiệp lớn nhất tại thị trường viễn thông di động. Điều này cũng đòi hỏi Viettel phải có trách nhiệm xã hội hơn trong việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo cũng như thực hiện các chính sách hợp lý để bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Theo Vietnam+

Bình luận của bạn