Vinamilk và hành trình đến hàng đầu
Tổng giám đốc Vinamilk là cá nhân của khối doanh nghiệp được vinh dự trình bày tham luận tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.
Bài phát biểu của bà cho thấy để có thể trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam, Vinamilk đã từng trải qua không ít khó khăn, vất vả, và đã luôn chủ động tìm lối đi riêng. Vinamilk đã liên tục đổi mới, sáng tạo và coi đó là sự sống còn của doanh nghiệp.
Năm 1988, trước nhu cầu ngày càng tăng về sữa bột cho trẻ em và tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, Công ty đã tiến hành phục hồi thành công Nhà máy Sữa bột Dielac. Đây là nhà máy của Tập đoàn Netstlé (Thụy Sĩ), khi miền Nam được giải phóng, chủ nhà máy đã mang theo hồ sơ thiết bị công nghệ về nước nên, nhà máy không hoạt động được.
Chỉ với kinh phí 200.000 USD, các cán bộ kỹ thuật Việt Nam của Công ty đã phục hồi hoàn toàn dây chuyền công nghệ, đưa nhà máy vào hoạt động (trong khi trước đó một công ty nước ngoài đã đưa ra mức giá phục hồi dây chuyền lên đến gần 3 triệu USD. Sau khi hoạt động trở lại, Nhà máy đã cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm sữa bột các loại và bột dinh dưỡng có chất lượng cao cho trẻ em. Đây là công trình lớn đầu tiên có tính bước ngoặt của Công ty về tính khoa học kỹ thuật. Hiện nay, Nhà máy Dielac là một trong 2 nhà máy chủ lực sản xuất phục vụ xuất khẩu mặt hàng sữa bột.
Từ tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ đến "Cuộc cách mạng trắng"
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đứng trước một khó khăn lớn là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập của nước ngoài. Thông qua nhiều con đường, từ năm 1990, Vinamilk đã tiến hành mua trực tiếp nguồn nguyên liệu với giá rẻ vài trăm USD/tấn thông qua các công ty xuất nhập khẩu, góp phần giảm giá thành, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập tràn lan trên thị trường.
Theo đường hướng này, Công ty đã khẩn trương nhập máy móc hiện đại để sản xuất sữa tươi tiệt trùng và thu mua sữa của nông dân với giá cao hơn nguyên liệu sữa nhập khẩu; hỗ trợ nông dân con giống, thú y, kỹ thuật chăn nuôi; thiết bị bảo quản sữa và không ngần ngại giảm lãi để khuyến khích phát triển đàn bò sữa trong nước.Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty vẫn luôn day dứt trước tình trạng phụ thuộc ấy và đặt ra mục tiêu là phải chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất sữa. "Cuộc cách mạng trắng" năm 1991 chính là biện pháp cụ thể hóa chủ trương này.
Với mô hình liên kết với người nông dân mở rộng vùng chăn nuôi, đồng thời tự mình hình thành các trang trại chăn nuôi bò sữa từ Bắc chí Nam, nâng tổng đàn từ 3.000 con (năm 1991) lên tới 113.000 con (năm 2015), cho sản lượng sữa 200.000 tấn/năm, chủ động được 50% nguồn nguyên liệu sữa cho sản xuất, quyền lợi người chăn nuôi bò sữa cũng được mở rộng. Khi Vinamilk cổ phần hóa, nông dân được mua cổ phần ưu đãi với giá chỉ bằng 70% mệnh giá, nhưng không có tiền mua, Vinamilk đã bảo lãnh cho vay vốn để mua. Có thể thấy, đây là một chiến lược kinh doanh đầy tính nhân văn.
Suốt quá trình đổi mới từ 1991 cho đến trước cổ phần hóa năm 2003, với chiến lược đến với nông nghiệp, nông thôn, nông dân qua “Cuộc cách mạng trắng” kết hợp hiện đại hóa máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, Vinamilk đã chiếm thị phần trong nước 45%, trong đó sữa đặc chiếm 75%; sữa tươi 53%; sữa chua các loại 90% và sữa bột 25%. Ở thị trường ngoài nước, Vinamilk đã thắng thầu nhiều lần bằng các lợi thế của chất lượng sản phẩm, giá cả và uy tín thực hiện hợp đồng cho các đối tác. Đến nay sản phẩm của Vinamilk đã có mặt ở 31 quốc gia trên thế giới, trong đó các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức Canada… đều đã hiện diện các sản phẩm Vinamilk, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của vinamilk đã được xây dựng tại Mỹ, Anh, Ba Lan, Newzealand, Campuchia đã góp phần không nhỏ đưa kim ngạch xuất khẩu đến nay đạt 200 triệu USD/năm, tăng gấp 2 lần so năm 2014.
Cổ phần hóa, thước đo của lòng quả cảm
Với tầm nhìn chiến lược và quyết tâm cao, tích hợp những kinh nghiệm, tinh hoa của thời kỳ đổi mới, Vinamilk đã thực hiện thành công cổ phần hóa vào năm 2003 và gặt hái những thành công có tính bước ngoặt.
Trong 5 năm gần đây, Vinamilk luôn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng: doanh số trung bình tăng trên 20%/năm; lợi nhuận tăng 15%/năm; nộp ngân sách nhà nước trung bình trên 3.000 tỷ đồng/năm. Công ty vươn lên top 100 công ty giá trị nhất ASEAN và top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam.
Với mục tiêu phát triển bền vững và vươn ra tầm quốc tế, Vinamilk đặt chiến lược phát triển dài hạn trở thành một trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 với doanh số 3 tỷ USD.