Đưa hàng Việt “bám rễ” tại các khu dân cư
Trong thời gian tới, các đơn vị thành viên tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng...
Đây là nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội đặt ra trong năm 2020, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 vừa được tổ chức.
Hàng Việt ngày càng được người Việt ưa chuộng
Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cho biết, trong cơ cấu hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, sản phẩm của các DN trong nước chiếm ưu thế lớn. Kết quả này có được khi nhiều DN sản xuất đã đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm… Nhờ đó, chất lượng hàng Việt đã không thua kém khi cạnh tranh với hàng ngoại nhập và giá thành thấp hơn.
Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, việc dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tại các siêu thị cho thấy nhiều sản phẩm Việt Nam như bánh kẹo Bibica, Kinh Đô, sữa Vinamilk, cà phê Trung Nguyên, thực phẩm chế biến Vissan… được người tiêu dùng tiêu thụ với số lượng lớn. Đặc biệt hơn, sản phẩm đặc sản vùng miền mang đậm văn hóa bản sắc Việt Nam đã được người tiêu dùng tìm mua.
Thực tế triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2019 cho thấy, Ban chỉ đạo các cấp, các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo cuộc vận động đã tập trung chỉ đạo sâu sát và toàn diện công tác tuyên truyền. Từ đó tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục tham mưu cho TP triển khai việc tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu, làng nghề... góp phần tạo môi trường thuận lợi giúp DN Việt đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các hội chợ, phiên chợ hàng Việt đã được đông đảo Nhân dân tham quan và mua sắm, qua đó nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm hàng nội khi mua sắm.
Về phía DN, đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động, chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành; tăng cường quảng bá sản phẩm, từng bước thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm
Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, vẫn còn một số đơn vị, sở, ngành chưa chủ động quan tâm triển khai, thực hiện Cuộc vận động; một số DN chưa quan tâm đến việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu nhãn mác của sản phẩm, hàng hóa. Các làng nghề trong quá trình triển khai Cuộc vận động vẫn còn tư duy tự phát, chưa gắn sản xuất với thị trường nên nhiều sản phẩm làm ra không hợp thị hiếu tiêu dùng, khó tiêu thụ cũng như xuất khẩu.
Để khắc phục những bất cập này, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai thực hiện Cuộc vận động trong năm 2020, các DN đề nghị thời gian tới, TP triển khai các chương trình hỗ trợ tuyên truyền hàng Việt và các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, qua đó giúp DN bảo vệ hàng Việt.
Nhằm giải quyết những khó khăn, bất cập mà DN gặp phải trong quá trình triển khai Cuộc vận động, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Nguyễn Anh Tuấn đề nghị, các đơn vị thành viên tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền cuộc vận động đến DN, người tiêu dùng, hướng tới mục tiêu 100% người dân và DN trên địa bàn biết đến Cuộc vận động.
Sở Công Thương triển khai chương trình liên kết công nghiệp, thương mại giữa Hà Nội với các tỉnh, TP trên cả nước; tạo điều kiện để DN các tỉnh bạn tham gia các kỳ hội chợ tại Hà Nội; phối hợp với các ngành chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật bản đồ số về mạng lưới phân phối hàng Việt; thực hiện chương trình ứng dụng thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa dịch vụ trên địa bàn.
Nhằm hỗ trợ DN trong quá trình đưa hàng Việt về nông thôn, chính quyền các quận, huyện cần hỗ trợ các DN xác định địa điểm bán hàng, công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các chương trình bán hàng đến từng khu dân cư. Đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, xây dựng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị... phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để người dân kinh doanh, mua sắm.