Đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp: Cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp
Việc tổ chức các chuyến hàng Việt về vùng nông thôn, khu công nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực; không chỉ giúp người dân tiếp cận hàng Việt Nam chất lượng, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, để hoạt động này được sâu rộng hơn, rất cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tham gia khai thác thị trường ngoại thành, nông thôn.
Mong ngóng những phiên chợ Tết
Mỗi dịp Tết đến, người dân khu vực ngoại thành, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Hà Nội lại chờ đón những phiên chợ Tết, những chuyến hàng lưu động do Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp tổ chức.
Bà Tạ Thị Thu, ở xã Bình Phú (huyện Thạch Thất) chia sẻ, từ khi chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức, người dân ngoại thành đã được tiếp cận, mua sắm những sản phẩm tốt hơn, giá cả lại hợp lý. Chung suy nghĩ, bà Nguyễn Thị Minh, ở xã Ðồng Tân (huyện Ứng Hòa) cho biết: "Năm nào tôi cũng đợi đến phiên chợ Tết do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức để mua sắm bởi hàng hóa đẹp, giá cũng vừa phải, lại có nhiều quà khuyến mãi".
Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình cũng hài lòng trước sự quan tâm của người dân với sản phẩm của mình. Ông Nguyễn Quang Chiến, Giám đốc Công ty Hải sản Phan Thiết cho rằng, việc tham gia các phiên chợ Việt, chợ Tết tại các huyện ngoại thành không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mà còn tạo cơ hội tiêu thụ sản phẩm đặc sản vùng, miền.
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông), tham gia chương trình đưa hàng Tết về nông thôn, khu công nghiệp, doanh nghiệp không đặt vấn đề lợi nhuận. Nhiều mặt hàng được doanh nghiệp bán bằng giá vốn, còn kèm tặng đồ khuyến mãi nhưng cái được là thương hiệu và thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân nông thôn, nhất là trong các dịp lễ, Tết, hằng năm Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã khảo sát, tổ chức các điểm bán hàng phục vụ người dân. Sản phẩm được bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng bình ổn giá…
Không dừng lại ở đó, chương trình còn cung ứng hàng hóa vào bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp - khu chế xuất, cụm công nghiệp, các xã miền núi thuộc các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức, Sơn Tây, Phúc Thọ... bằng nhiều hình thức phù hợp. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người lao động, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tăng điểm bán lẻ cố định, phục vụ người dân
Thời gian qua, việc tổ chức các điểm bán hàng Việt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và các chương trình bán hàng giảm giá đã mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động. Tác dụng rõ nhất là đã góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, các doanh nghiệp phân phối như: Big C, Hapro, Co.opmart… còn triển khai nhiều chương trình giảm giá, tặng quà, nên thu hút rất đông công nhân đến mua sắm.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh: "Chương trình phiên chợ Tết là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm của ngành Công Thương Hà Nội trong dịp Tết. Hoạt động này không chỉ thu hút các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ của Thủ đô tham gia, mà còn có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp các tỉnh, thành phố khác. Qua đó, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận đặc sản các vùng, miền như: Nước mắm Phan Thiết, chè Thái Nguyên, nông sản Hà Giang…".
Trong giai đoạn 2009-2019, Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương, Ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất, doanh nghiệp tổ chức 22 chuyến bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán, 29 tuần hàng Việt, 254 phiên chợ Việt và khoảng 3.200 chuyến bán hàng lưu động. Riêng trong dịp Tết Canh Tý 2020, đã có 9 phiên chợ Việt được tổ chức (với quy mô từ 20 đến 30 gian hàng/phiên của khoảng 70-80 doanh nghiệp); 250 chuyến bán hàng lưu động, hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết…
Hiệu quả từ chương trình là không thể phủ nhận, tuy nhiên một số doanh nghiệp bán lẻ chưa mặn mà với việc đưa hàng Việt về các khu công nghiệp, đặc biệt là về nông thôn, dù đây là dư địa lớn cho doanh nghiệp khai thác. Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội nhận định: "Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn hầu như không có lãi. Do đó, không nhiều doanh nghiệp bán lẻ, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia".
Để khắc phục tình trạng này, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với những đơn vị liên quan tiếp tục rà soát các cơ chế chính sách, từ đó, đề xuất cấp thẩm quyền hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, phát triển mạng lưới… Đồng thời, phối hợp với các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư các khu công nghiệp hỗ trợ về thủ tục hành chính, mặt bằng kinh doanh..., để phát triển mạng lưới bán lẻ cố định...
Sở cũng tham mưu để thành phố có cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp duy trì các điểm bán lẻ tại khu vực ngoại thành phục vụ người tiêu dùng; kiến nghị Bộ Công Thương tổ chức quy hoạch mạng lưới phân phối ở vùng nông thôn, giúp doanh nghiệp có cơ sở thiết lập các điểm bán hàng cố định. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành điểm tập kết hàng Việt, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư điểm bán, từ đó tạo sự lan tỏa và để hàng Việt đến gần hơn nữa với người tiêu dùng khu vực ngoại thành, các khu công nghiệp - khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa.