''Định vị'' hàng Việt giữa làn sóng hàng ngoại nhập
Hiện nay, nhiều mặt hàng của Việt Nam như: dệt may, nông sản, thực phẩm, gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu… đang bước vào giai đoạn cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu về mức thuế theo tiến trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Điều này giúp cho các doanh nghiệp trong nước có điều kiện vươn ra biển lớn, có nhiều điều kiện phát triển, mở rộng thị phần. Đồng thời, đây cũng là thách thức khiến cho các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều áp lực cạnh tranh về giá cả, chất lượng với nhiều loại hàng hóa ngoại nhập “tràn về”.
* Nhiều mặt hàng Việt đang nỗ lực giữ thị phần
Khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, nhiều mặt hàng như: dệt may, sữa và các sản phẩm từ sữa, nhựa và sản phẩm nhựa, hóa chất và sản phẩm hóa chất, giấy, đồ gỗ, máy móc, thiết bị phần lớn thuế nhập khẩu giảm xuống 0% . Tương tự, đối với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), phần lớn các dòng thuế đối với sản phẩm dệt may, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cà phê, máy vi tính và các sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử… sẽ giảm về 0% khi hiệp định này có hiệu lực.
Trên thực tế, ở ngành hàng sữa, nhiều thương hiệu sữa Việt Nam như: Vinamilk, Nutifood, Lothamilk, TH True Milk vẫn chiếm được những vị thế nhất định trên thị trường. Theo đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, đối với các nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, rau củ quả…, hàng Việt chiếm khoảng 80% trên các gian hàng.
Trong khi đó, ở lĩnh vực thời trang, trong bối cảnh nhiều nhãn hàng thời trang quốc tế có mức giá trung bình như: Zara, Mango, H&M, Uniqlo... tràn vào thị trường trong nước, các nhãn hàng thời trang của Việt Nam như: Việt Tiến, An Phước, Biti’s, Owen, Ivy, Elise, Juno, Vascara, Hnoss, Marc... vẫn đang nỗ lực để tạo được vị thế với nhiều xu hướng, phân khúc mới nhắm vào các đối tượng như: giới trẻ, giới văn phòng…
Đại diện nhiều doanh nghiệp ngành gỗ nội địa cho hay, việc cạnh tranh với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như khó khăn về nhân công, giá cả xuất khẩu đã khiến họ chú ý hơn đến thị trường nội địa, thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu như trước. Thị trường gỗ trong nước hiện nay theo đánh giá có giá trị thương mại hơn 4 tỷ USD và nhu cầu đang ngày một tăng cao do mức sống của người dân ngày càng được nâng lên.
Theo Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh, các FTA thế hệ mới, đặc biệt với CPTPP, EVFTA tác động trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp và đều có điều khoản cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan. Theo đó, các mặt hàng trái cây, thủy sản, đồ gỗ và lâm sản có lợi thế cạnh tranh rất cao. Tiếp đến là một số sản phẩm khác cũng có lợi thế cạnh tranh tốt như: hồ tiêu, điều, cà phê.
* Đối mặt với “sóng” lớn
Ông Nguyễn Hữu Nam, Trưởng phòng Pháp chế VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho biết, với việc giảm các loại thuế nhập khẩu theo lộ trình các FTA đã ký kết, hàng hóa nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là từ các nước thành viên CPTPP, EU vào Việt Nam sẽ cạnh tranh gay gắt với hàng nội địa về giá thành, chất lượng và mẫu mã…
Bên cạnh đó, hàng hóa trong nước còn gặp phải sự cạnh tranh gắt gao từ hàng hóa từ các nước ASEAN bởi hàng hóa của các nước trong khu vực có nhiều chủng loại, thành phần nguyên liệu tương đồng với hàng Việt Nam nhưng lại có nhiều lợi thế so sánh hơn như chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, phong phú và đặc biệt giá thành rất cạnh tranh như: ô tô, bánh kẹo, điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng…
Ông Nam cho biết thêm, nếu doanh nghiệp trong nước không tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào, cũng như không chú trọng xây dựng thương hiệu, đa dạng, cải thiện mẫu mã… thì sẽ đứng trước nguy cơ bị giảm hoặc mất thị phần ngay trên sân nhà.
Bên cạnh đó, các điều kiện về nguồn vốn, kinh nghiệm trên thương trường; chiến lược, chi phí quảng bá thương hiệu, phát triển hệ thống phân phối sản phẩm… vẫn đang là bài toán nan giải của nhiều doanh nghiệp trong nước.
Ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) cho biết, các chi phí liên quan đến phát triển các kênh phân phối, quảng bá thương hiệu ngày càng tăng cao sẽ gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khi cạnh tranh với các thương hiệu lớn, các doanh nghiệp nước ngoài…
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước sẽ đứng trước nguy cơ đánh mất các vùng nguyên liệu trong nước nếu “chậm chân” trong việc đổi mới công nghệ, dây chuyền hiện đại, cũng như thiếu sự hoạch định chiến lược phát triển phù hợp trong thời hội nhập sâu rộng thông qua các FTA.
Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho hay, các doanh nghiệp ở địa phương cần tái cấu trúc quy trình sản xuất và công nghệ, nỗ lực đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi, người tiêu dùng, người lao động... Đồng thời, các doanh nghiệp cần xác lập hệ thống phòng ngừa rủi ro với tầm nhìn toàn diện hơn trong bối cảnh tình hình thương mại trên thế giới đang có nhiều thay đổi.
* Nguy cơ bị mượn mác “made in Vietnam”
Trong thời gian qua, cả nước nói chung và trên địa bàn Đồng Nai nói riêng đã xuất hiện các trường hợp vi phạm liên quan đến gian lận, giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam. Câu chuyện “núp bóng” hàng Việt để hưởng ưu đãi thuế khi nhập vào các nước có FTA với Việt Nam vẫn đang là “chủ đề nóng” trên nhiều diễn đàn về thương mại trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Hữu Nam nhận định, hiện tượng gian lận xuất xứ hàng Việt Nam để trốn thuế xuất hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây, nhất là trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp. Các hình thức gian lận “mượn” nhãn mác, nguồn gốc để xuất khẩu hoặc tiêu thụ ở thị trường trong nước sẽ gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho các doanh nghiệp nội địa, cũng như tác động không nhỏ tới niềm tin của người tiêu dùng trong nước đối với các nhóm hàng Việt.
Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, trong năm 2020, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai sẽ tăng cường thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hóa của Mỹ và Trung Quốc áp thuế lên nhau, hàng hóa mà Mỹ công bố Trung Quốc đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh rượu; sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ nhãn mác Việt Nam để đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…