"Nâng chất" để hàng Việt lan tỏa
Bằng nhiều hoạt động thiết thực như: đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng điểm bán hàng Việt, kết nối cung - cầu hàng hóa…
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. Tuy nhiên, để hàng Việt thực sự có sức cạnh tranh trên thị trường thì chất lượng phải là yếu tố then chốt.
Tạo dựng niềm tin
Nếu như trước đây, người tiêu dùng còn chưa quan tâm đến các sản phẩm “made in Viet Nam” bởi mẫu mã và chất lượng hạn chế, giá lại cao.
Trong khi đó, hàng nhập lậu từ Trung Quốc, Thái Lan lại đáp ứng được hầu hết thị hiếu này khiến một thời gian dài người tiêu dùng đã thờ ơ và quay lưng lại với hàng hóa trong nước.
Chính vì vậy, Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã như ngọn lửa thôi thúc doanh nghiệp thi đua sản xuất và đánh thức lòng yêu nước trong dân.
Vì thế, không ít doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ máy móc cũng như học tập kinh nghiệm để nâng cao mẫu mã chất lượng cho hàng hóa.
Không những thế, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng nguyên vật liệu đầu vào do Việt Nam sản xuất hoặc được đầu tư sản xuất tại Việt Nam để vừa giảm giá thành, vừa hỗ trợ sản xuất trong nước.
Ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Khóa Việt Tiệp chia sẻ, là một trong những đơn vị tham gia cuộc vận động từ những ngày đầu tiên, công ty đã đầu tư khoa học công nghệ, thay đổi mẫu mã để sản phẩm không chỉ tốt, bền mà còn đẹp. Hơn nữa, dù các chi phí tăng lên nhiều nhưng Việt Tiệp chủ trương không tăng giá nên sản phẩm vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo ông Lương Văn Thắng, mới đây Việt Tiệp đã sản xuất nhiều sản phẩm mới, lạ như khóa vân tay, khóa thần tài…. Vì vậy, trên 90% sản phẩm của khóa Việt Tiệp đã được tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa, doanh thu tăng mạnh từng năm.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, nhờ chất lượng tốt, giá bán cạnh tranh, sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước hiện chiếm ưu thế lớn trong cơ cấu hàng hóa tại hệ thống siêu thị Hapro Mart.
Các thương hiệu thực phẩm trong nước như: Bánh kẹo Bibica, Kinh Đô, sữa Vinamilk, cà phê Trung Nguyên, Vissan được bày ở những vị trí trang trọng trong siêu thị.
Đặc biệt vào các dịp tết thiếu nhi 1/6, rằm Trung thu vừa qua sản phẩm bánh kẹo có xuất xứ Việt Nam đã trở thành lựa chọn số 1 của người tiêu dùng.
Thống kê cho thấy, riêng trên địa bàn Hà Nội, tỷ lệ hàng nội địa có mặt tại các siêu thị chiếm từ 80-85%, thậm chí có những siêu thị hàng Việt chiếm đến 90%.
Trong hệ thống các siêu thị BigC hay Saigon Co.op Mart, Fivimart…, hàng sản xuất trong nước chiếm đại đa số.
Tại khu vực nông thôn, hơn 80% hàng hóa được bày bán là hàng Việt Nam; trong đó, các sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu học tập của học sinh chiếm gần 90% là hàng Việt.
Việc các cửa hàng mang biển hiệu “Made in Viet Nam” xuất hiện ngày càng nhiều tại các phố lớn và có mặt ở hầu hết các siêu thị cho thấy, nhu cầu dùng hàng Việt của người dân rất lớn.
Điều này cũng chứng tỏ, các doanh nghiệp đã chú trọng tạo ra những sản phẩm Việt chất lượng cao, mẫu mã phong phú, thân thiện với môi trường và giá cả phù hợp.
Đại diện cho Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, sau 8 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động và đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các nhóm nhiệm vụ.
Từ chỗ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng.
Thông qua Cuộc vận động, các doanh nghiệp trong ngành công thương cũng đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam.
Huy động sức mạnh
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, thời gian qua, Cuộc vận động đã đạt được hiệu quả kép khi tạo được ý thức cho người dân ưu tiên lựa chọn, mua sắm và sử dụng hàng Việt Nam.
Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất có ý thức đầu tư công nghệ, sản xuất ra các sản phẩm đạt chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong hệ thống các siêu thị BigC hay Saigon Co.op Mart, Fivimart…, hàng sản xuất trong nước chiếm đại đa số.. Ảnh minh họa: Thanh Vũ-TTXVN
Không thể không kể đến những nỗ lực của các doanh nghiệp Việt trong việc chinh phục người tiêu dùng nội địa. Đơn cử như chỉ cách đây vài năm, hàng dệt may Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài thì gần đây các doanh nghiệp đã chú trọng sản xuất các sản phẩm chất lượng, đầu tư hệ thống phân phối để giúp người tiêu dùng có cơ hội sở hữu những sản phẩm tốt nhất.
Đơn cử, Tổng công ty Cổ phần Phong Phú đã tập trung cho những dòng sản phẩm như khăn bông cao cấp Mollis, chăn drap áo gối Pelife và quần áo thời trang Open.
Cùng với việc mở rộng hệ thống phân phối, các sản phẩm này của Phong Phú đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong nước.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với hoạt động này bởi hàng Việt vẫn chỉ tập trung ở những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp.
Hơn nữa, nếu so sánh với hàng Thái Lan thì hàng Việt chưa cạnh tranh được cả về giá, sự đa dạng về mẫu mã và chất lượng.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt vẫn chưa chú trọng đầu tư xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng đến các sản phẩm chính hãng.
Ông Tô Hoài Nam cho rằng, tới đây cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để bên cạnh việc tạo ý thức cho người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng cần có ý thức mạnh hơn về việc tiếp tục đầu tư công nghệ, sản xuất ra những hàng có thương hiệu, chất lượng tốt, mẫu mã phù hợp với thị hiếu.
Đặc biệt, phải xác định là với 90 triệu dân, thị trường trong nước là thị trường rất lớn và nếu khai thác tốt, đây là nguồn thu vô cùng lớn cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tích cực triển khai các hoạt động truyền thông giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng; tích cực tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt.
Đặc biệt, thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động, Bộ Công thương đang triển khai hỗ trợ các địa phương xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam cố định tại các địa phương.
Mục tiêu là đến năm 2020, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều xây dựng được các Điểm bán hàng Việt Nam cố định; trong đó, ưu tiên khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đây được kỳ vọng sẽ trở thành điểm tập kết hàng Việt, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư điểm bán, từ đó tạo sự lan tỏa và để hàng Việt đến gần hơn nữa với người tiêu dùng trên cả nước.Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.