Tìm lại danh tiếng của “Saigon Rice”
Có lẽ Nhà nước cuối cùng cũng thấy được vai trò quan trọng của thương hiệu gạo Việt Nam nên đã ban hành Quyết định 706/TTg ngày 21-5-2015 vừa qua.
Thực ra, không phải gạo của nước ta không có thương hiệu, mà chỉ có gạo xuất đi với khối lượng lớn mới không có thương hiệu, còn loại gạo đặc sản của một số doanh nghiệp tư nhân đã xuất đi với lượng nhỏ (thí dụ như gạo hữu cơ Hoa Sữa được Công ty BHMT ở London nhập từ Công ty Viễn Phú Việt Nam), hoặc bán trong siêu thị nội địa thì cũng có thương hiệu đàng hoàng.
Vì các quy định về điều kiện xuất khẩu quá khắt khe nên phần lớn các công ty sản xuất gạo có thương hiệu không thể vươn ra thị trường nước ngoài. Gạo Việt Nam, chủ yếu những giống lúa mùa (chỉ trồng được một vụ/năm) ngon cơm nhưng năng suất thấp, như Nàng Hương Chợ Đào, Tàu Hương, Nanh Chồn, Huyết Rồng, Châu Hạng Võ... được xuất khẩu từ những năm đầu thế kỷ 20, trong thời Pháp thuộc và được nổi tiếng là “Saigon Rice” (gạo Sài Gòn) đi khắp các nước Đông Nam Á, châu Âu và châu Phi từ cảng Sài Gòn.
Nhưng đến 1968, chiến tranh khốc liệt ở miền Nam đã xóa tên Việt Nam trên bản đồ các quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới. Cho đến khi nông dân Việt Nam tiếp xúc được các giống lúa cao sản ngắn ngày (trồng nhiều vụ/năm, lúc nào cũng được), với nước tưới sẵn sàng mọi lúc thì giống lúa mùa ngon cơm nói trên dần dần mai một, không ai muốn trồng. Thêm vào đó, những chành lúa nổi tiếng chuyên buôn bán giống lúa mùa ngon cơm nổi tiếng đã chạy khỏi Việt Nam, các nhà máy chế biến gạo của họ bị quốc hữu hóa, và lực lượng thương lái rất hùng hậu ra đời với những công ty xuất khẩu gạo trong thời kỳ đổi mới đã triệt tiêu thương hiệu nổi tiếng của gạo Việt Nam. Thậm chí cả loại gạo nổi tiếng nhất còn lại là Nàng Thơm Chợ Đào cũng mất tiếng luôn vì gạo bị trộn lẫn với gạo jasmine cùng một số gạo có hạt trắng trong tương tự như Nàng Thơm Chợ Đào.
Thử hỏi một khách hàng ăn gạo Việt Nam ngoài mong muốn chọn một loại gạo có chất lượng ngon hợp khẩu vị và an toàn vệ sinh, liệu họ có chọn thêm mấy đặc tính khác như gạo phải có “lịch sử, văn hóa, truyền thống Việt Nam” hay không?Xây dựng lại thương hiệu gạo Việt Nam trong bối cảnh thị trường bát nháo hiện nay quả thật là một thách thức lớn, càng khó hơn nữa nếu thực hiện theo lộ trình nêu trong Quyết định 706/TTg. Từ tình trạng không cần gì thương hiệu, chuyển sang một thái cực với những mục tiêu mà Quyết định 706 muốn đạt cho thương hiệu gạo Việt Nam rất rườm rà, quá nhiều tham vọng, và mơ hồ.
Theo Quyết định 706, sẽ có nhiều cấp thương hiệu được xây dựng: thương hiệu gạo quốc gia, thương hiệu vùng, địa phương và các doanh nghiệp cũng sẽ xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Tuy đề ra rất nhiều nội dung khiến khâu thực hiện phải huy động rất nhiều bộ ngành, chương trình sẽ tập trung ưu tiên cho ba giống đặc sản của ĐBSCL: giống jasmine, giống lúa thơm và giống nếp đặc sản.
Nếu theo lộ trình này chúng ta sẽ không thể đạt mục tiêu dễ dàng, vì làm thế nào xác định giống quốc gia để từ đó sử dụng làm ba giống đặc sản mà dự án nêu. Trong thực tế giống jasmine được dùng làm một giống gạo thơm, mà trong số giống gạo thơm hiện nay, ngay trong giống jasmine đã có nhiều dòng do nhiều cơ quan tuyển chọn. Và giống nào là giống gạo thơm được chọn, giống nếp đặc sản nào sẽ được dùng? Mỗi giống đó sẽ được trồng thế nào và ai sẽ đăng ký thương hiệu đưa ra thị trường?
Chúng tôi tin rằng dự án có thể thực hiện thành công đúng theo mục tiêu thời gian nhưng với ít mục tiêu về tính chất của thương hiệu nếu chúng ta chọn một lộ trình thực tế nhất và ngắn nhất bao gồm năm khâu sau đây, áp dụng cho ba loại giống là giống lúa thơm, giống lúa cao sản và giống nếp:
Một là bình tuyển giống lúa làm giống quốc gia có tính chất địa lý từ 10 giống lúa thơm và lúa cao sản phổ biến nhất;
Hai là tổ chức huấn luyện một số doanh nghiệp đang kinh doanh gạo Việt Nam có thương hiệu, rồi chọn doanh nghiệp có khả năng cao nhất về quản lý thương hiệu, cơ sở vật chất có nhà máy chế biến gạo được trang bị hiện đại, và có tổ chức vùng nguyên liệu;
Ba là cho mỗi doanh nghiệp được chọn đứng ra cùng địa phương tổ chức lại nông dân trong vùng thích hợp để làm vùng nguyên liệu lớn. Tất cả nông dân tham gia sẽ được đào tạo quy trình GAP sản xuất lúa nguyên liệu;
Bốn là doanh nghiệp lo đăng ký thương hiệu mỗi loại gạo của mình;
Năm là xúc tiến thương mại các loại gạo có thương hiệu ra khắp thị trường nội địa và quốc tế qua các siêu thị, quảng cáo trên báo đài, tham dự các hội chợ quốc tế.
Nếu thực hiện theo lộ trình đơn giản hóa trên đây, chắc chắn Việt Nam sẽ có gạo có thương hiệu để xuất từ năm 2020.
Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn