1/3 ly cappuccino ở châu Âu là cà phê VN

Bất cập lớn nhất của hàng hóa VN là được bán ra nước ngoài nhiều, nhưng phần lớn đều qua các khâu trung gian, qua các đại lý phân phối lớn, đóng gói dưới nhãn mác của doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), đã thông tin như trên tại hội thảo triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp VN xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài đến 2020 do Vụ Thị trường châu Âu tổ chức tại TP.HCM vào hôm nay 26.5.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, bất cập lớn nhất của hàng hóa VN là được bán ra nước ngoài nhiều, nhưng phần lớn đều qua các khâu trung gian, qua các đại lý phân phối lớn, đóng gói dưới nhãn mác của doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, nhiều nhất là sản phẩm dệt may, da giày, nông sản, thủy sản… Chính vì không xuất khẩu trực tiếp đến tay người tiêu dùng nước ngoài, nên khả năng nắm bắt nhu cầu tiêu dùng của khách hàng của doanh nghiệp Việt rất thấp. Từ đó dẫn đến chất lượng không đáp ứng kịp nhu cầu, khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu bị giảm mạnh hoặc mất thị trường như thủ công mỹ nghệ.

Theo ông Hải, chính những nhà kinh doanh bán lẻ ở châu Âu nói cho biết 1/3 ly cà phê cappuccino ở đây là từ cà phê VN nhưng có bao nhiêu người biết hạt cà phê thương hiệu VN. Nhiều hàng hóa VN bán tại siêu thị, hệ thống phân phối ở nước ngoài nhưng đóng gói dưới thương hiệu nước ngoài. Thậm chí cá tra VN có thế mạnh nhưng toàn hàng đóng gói dưới tên thương hiệu nước ngoài. Đây là một thiệt thòi vô cùng lớn cho hàng Việt.

Xuất phát từ băn khoăn đó, Bộ Công thương đã xây dựng đề án với mong muốn xuất khẩu trực tiếp hàng VN ra nước ngoài qua các kênh bán lẻ ngoại đang có mặt tại VN như: Aeon (Nhật), BigC - Central Group (Thái), LotteMart (Hàn Quốc), Auchan (Pháp), Metro (Thái)… Bộ Công thương và các hiệp hội ngành hàng trong vai trò cầu nối thúc đẩy liên kết giữa các nhà: quản lý nhà nước, các tập đoàn phân phối nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu của VN. Bộ Công thương sẽ xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp VN, hoặc các mô hình thí điểm, mô hình mẫu để hướng doanh nghiệp tận dụng hình thức xuất khẩu này.

Trả lời những thắc mắc của doanh nghiệp nội về khả năng xuất hàng qua hệ thống BigC (Central Group), ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch đối ngoại và pháp lý Tập đoàn Central Group cho biết tập đoàn đã lập bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ VN tham gia vào chuỗi cung ứng, tiến đến xuất khẩu sang thị trường châu Á thông qua hệ thống bán lẻ BigC và đã xuất hàng của nhiều DN nhỏ VN. Ngoài ra, tập đoàn cũng có nhóm chuyên phụ trách xuất khẩu, làm việc trực tiếp với nhà cung ứng, đưa ra những điều kiện riêng về tài chính giúp DN sản xuất trong nước nhận tiền bán hàng tại VN…

“Toàn bộ nội thất của khách sạn 6 sao vào hàng lớn của Thái Lan là Part Hyatt đã thông qua chúng tôi mua nội thất từ VN. Điều này chứng tỏ hàng VN hoàn toàn đáp ứng tiêu chí khắt khe nhất, nếu chúng ta biết làm và làm chuyên nghiệp”, ông Hải nhấn mạnh.

Ông Nishitoghe Yasuo, Tổng giám đốc Aeon VN thông tin, hiện Aeon đã xây dựng được 4 siêu thị tại VN, liên kết với Fivimart và Citimart phát triển tổng cộng 59 siêu thị hạng trung trên toàn quốc. Ngoài ra, Aeon cũng phát triển 75 cửa hàng tiện lợi Ministop. Năm 2016, VN đã xuất khẩu qua hệ thống Aeon đạt 200 triệu USD, trong đó 69% là hàng may mặc, 20% hàng thực phẩm và 11% hàng gia dụng…

Theo mục tiêu của đề án Thúc đẩy các doanh nghiệp VN tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài, đến năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của VN được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với VN. Cùng với đó, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của các ngành hàng trong đề án như dệt may, giày dép, nông sản, cà phê, chè, thủy sản tăng thêm 10 - 15%. Đồng thời, mở rộng khả năng tiếp cận hệ thống phân phối thêm 2 - 3 hệ thống và tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài tăng thêm 10 - 15% đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình.
 

Bình luận của bạn