“4 nhà” xây thương hiệu trái cây Việt
Cuối tháng 11.2015, tại Bến Tre, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) phối hợp Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị triển khai xây dựng chuỗi giá trị cây ăn quả tại Đồng bằng Sông cửu long, nhằm tạo dựng thương hiệu cho trái cây vùng đất này.
c
Theo TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng SOFRI, ngành rau quả của Việt Nam nói chung và ĐBSCL có tiềm năng phát triển rất lớn, kim ngạch xuất khẩu trong những năm qua không ngừng tăng cao, năm 2013 trên 1 tỉ USD, năm 2014 gần 1,5 tỉ USD và dự kiến hết năm 2015 đạt 2 tỉ USD. Trong số này, kim ngạch xuất khẩu trái cây chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên, hiện hầu hết là sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng không đồng đều, thu hoạch, bảo quản còn thủ công lạc hậu, không truy xuất được nguồn gốc, chưa có thương hiệu và đặc biệt là không liên kết được với doanh nghiệp.
Toàn ĐBSCL có trên 288.500 ha trồng cây ăn quả, chiếm 34,2% diện tích của cả nước. Trong số này, diện tích được chứng nhận GlobalGAP, VietGAP chỉ có 0,39%, tương đương gần 1.159 ha. Tiền Giang là tỉnh có diện tích được chứng nhận GAP lớn nhất khu vực ĐBSCL với hơn 401 ha, kế đến là Bến Tre với 218 ha. Trong 3 năm qua, diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL đạt chứng nhận GAP chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm. “Chính vì vậy đề án xây dựng chuỗi giá trị trên cây ăn quả vùng ĐBSCL nhằm mục đích hướng đến việc xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả theo hướng bền vững, an toàn, chất lượng; tập trung xây dựng thương hiệu và gia tăng lợi nhuận cho bà con nông dân”, TS Hòa nói
Bắt đầu từ bưởi da xanh
Ông Lê Quốc Điền, Giám đốc Trung tâm chuyển giao kỹ thuật nghề vườn thuộc SOFRI, cho biết theo đề án này, trong giai đoạn 1 (2015 - 2017) sẽ phối hợp với các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long xây dựng chuỗi giá trị trên cây bưởi da xanh diện tích 100 - 120 ha ở mỗi tỉnh. Giai đoạn 2 (2017 - 2020) mở rộng chuỗi giá trị trên các loại cây trồng khác như: xoài, thanh long, nhãn và các cây trồng khác theo quy hoạch của ngành nông nghiệp; phạm vi của đề án sẽ mở rộng ra thêm một số địa phương như Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang
Hướng tới chất lượng, an toàn cao nhất
Đại diện nhiều địa phương cũng lưu ý, thực tế ngay các kênh phân phối hiện đại trong nước khi đến địa phương thu mua trái cây cũng yêu cầu phải có chứng nhận cao nhất GlobalGAP. Chính vì vậy, nếu muốn cung cấp sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường thì phải áp theo chuẩn này. Trong khi đó, hiện tổng diện tích trồng bưởi da xanh của từng địa phương rất lớn nhưng rải rác ở khắp nơi, mỗi hộ khoảng 0,2 - 0,3 ha, không có vùng chuyên canh, quy mô lớn nên sẽ rất khó áp dụng các tiêu chuẩn.