Bà con dân tộc vùng cao phía Bắc đổ xô mua hàng Việt

Dầu ăn, khóa Việt Tiệp đắt hàng tại phiên chợ hàng Việt ở tỉnh vùng cao phía Bắc - Cao Bằng ngày 5/4.

Ngày 5/4, đồng bào các dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Hoa, Sán Chay, H’Mong... ở tỉnh Cao Bằng có cơ hội mua hàng Việt Nam với các mặt hàng như sữa, nhựa, mắm, trà...

Theo thông tin từ Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Doanh Và Hỗ Trợ Doanh Nghiệp (BSA), sau năm 2016 quay lại thị trường phía Bắc thành công, năm 2017, Phiên chợ Hàng Việt về Nông Thôn do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức tiếp tục trở lại phục vụ người dân các tỉnh phía Bắc. Trong tháng 4 này sẽ là chuỗi 6 phiên chợ tại 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.

Cụ thể, tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức tại các huyện sau: huyện Trà Lĩnh (05 – 07/4/2017); Hòa An (09 – 11/4/2017); Thạch An (13 – 15/4/2017)

Tỉnh Lạng Sơn tổ chức tại các huyện sau: Bình Gia (17 – 19/4/2017); Văn Quan (21 – 23/4/2017); Chi Lăng (25 – 27/4/2017).

Đây là 2 địa phương có đông đồng bào các dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Hoa, Sán Chay, H’Mong sinh sống… và bà con nơi đây đang không có nhiều sự lựa chọn trong việc sử dụng và tiêu dùng hàng Việt.

Khoảng 30 doanh nghiệp tham gia, trong đó đa phần là các doanh nghiệp phía Nam, chương trình sẽ giúp người tiêu dùng các địa phương trên nhận diện, tin dùng các sản phẩm của những doanh nghiệp tại phiên chợ, những doanh nghiệp đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.

Danh sách một số doanh nghiệp như sau: Duy Tân; Kim Hằng; Qui Phúc; V.C.L; Khóa Việt Tiệp; Mỹ Hảo; Bột giặt Lix; Cholimex; Tân Việt Sin; Trà Tâm Lan; Nhã Thy; Nam Phương VN; Thái Long; Nutifood; Cát Hải; Hưng Thành Tài; Bình Điền_Ninh Bình; Bếp Vuông; Cơ sở giày dép da Hanh Tươi; Bùi Thái; Hoàng Nguyên; Dược liệu Bình An; Mạnh Dương.

Đặc biệt phiên chợ còn có sự tham gia của những gian hàng bán các sản phẩm nông nghiệp thuộc mạng lưới Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp (SKC miền Bắc). Hay những sản phẩm của Phiên chợ Xanh tử tế từ TPHCM ra phục vụ bà con miền Bắc, như: Con Tôm; HTX Eakmat Hòa Đông; Xơ mướp Vi Lâm.

Cao Bằng - cơ hội ở những cửa khẩu

Theo BSA, Trà Lĩnh, Hòa An và Thạch An tỉnh Cao Bằng là các huyện vùng núi nhưng dân số khá đông, bình quân từ 40 – 60 ngàn người, với nhiều thành phần dân tộc, gồm: Tày (chiếm 41,0% dân số), Nùng (31,1 %), H'Mông (10,1 %), Dao (10,1 %), Việt (5,8 %), Sán Chay (1,4 %)...

Đặc biệt, cửa khẩu Trà Lĩnh (huyện Trà Lĩnh) nằm trên tỉnh lộ 205, cách trung tâm huyện khoảng 6 km và cách TP. Cao Bằng gần 40km, trong những năm gần đây, mức độ giao thương tại cửa khẩu diễn ra mạnh mẽ, nhất là các sản phẩm nông sản và lợn xuất sang Trung Quốc. Đời sống người dân cũng vì thế được nâng lên, và nhu cầu dùng các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng được bà con rất quan tâm.

Các huyện có thế mạnh về nông nghiệp, là trồng lúa chủ yếu là ruộng bậc thang trải dài theo các thung lũng, sườn dồi. Các sản phẩm về lâm nghiệp, nông sản được xuất chủ yếu qua các cửa khẩu, như Tà Lùng và Trà Lĩnh.

Mặt khác, do địa bàn rộng nên việc họp chợ ở các huyện chủ yếu là họp theo hình thức chợ phiên, theo đó, năm ngày họp một lần tùy theo mỗi địa phương, (chợ họp vào ngày âm lịch).

Nếu lịch phiên chợ trùng vào các ngày họp chợ phiên sẽ rất thuận lợi để người dân đến tham quan, mua sắm.

Do vị trí địa lý các huyện nằm gần cửa khẩu Tà Lùng và Trà Lĩnh nên hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường dễ dàng. Theo tìm hiểu, người dân cũng rất sợ sản phẩm của Trung Quốc, sản phẩm Trung Quốc được tiêu thụ nhiều là các mặt hàng khăn giấy, thuốc diệt côn trùng, các sản phẩm may mặc, giày dép, hóa mỹ phẩm, thực phẩm tươi sống…

Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp hàng may mặc, giày dép tìm hiểu thị trường, điểm phân phối, nhằm ghi dấu ấn với người tiêu dùng địa phương qua đó giúp đánh bại hàng Trung Quốc.

Bên cạnh đó, tại các thị trường này, sản phẩm của Unilever và P&G cũng chiếm ưu thế trên các quầy kệ tại khu vực chợ trung tâm. Còn các sản phẩm nhựa và thực phẩm chế biến thì được người dân ưa chuộng hàng Việt Nam nhiều hơn.

Lạng Sơn thuận lợi trong phân phối hàng hóa

Tại tỉnh Lạng Sơn, phiên chợ HVVNT được tổ chức tại các huyện Bình Gia (17 – 19/4/2017); Văn Quan (21 – 23/4/2017); Chi Lăng (25 – 27/4/2017)

Đây cũng là các địa phương có nhiều thành phần dân tộc sinh sống, trong đó người Nùng chiếm 42,97%, Tày chiếm 35,92%, Kinh 16,5%, còn lại là các dân tộc Dao, Hoa, Sán Chay, H'Mông.

Lạng Sơn có 2 cửa khẩu lớn là cửa khẩu Ga đường sắt Đồng Đăng huyện Cao Lộc và cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị (cửa khẩu quốc gia). Tất cả các hàng hóa từ nông sản, điện máy, thời trang… đều được xuất nhập qua các cửa khẩu này, đây là nơi cung cấp hàng hóa cho thị trường nội địa khá lớn.

Các huyện của tỉnh Lạng Sơn cách thành phố không xa, khoảng 70km, và mỗi huyện cách nhau khoảng 30km, nên việc vận chuyển hàng hóa từ Lạng Sơn đi đến các huyện rất thuận lợi theo đường bộ (dọc các tuyến QL 1A và 1B, các tỉnh lộ).

Đây sẽ là điểm lợi thế cho các doanh nghiệp có nhu cầu làm thị trường và giao hàng đến các tuyến huyện của tỉnh.

Trong khi đó, tại các chợ huyện, hàng hóa tập trung không nhiều mà tập trung nơi các cửa hàng dọc theo các tuyến đường nội ô. Vì thế, doanh nghiệp muốn vận chuyển hàng hóa, mở điểm bán sẽ thuận lợi hơn để châm hàng...

Nhìn chung, hàng hóa tại các huyện Bình Gia, Văn Quan không phong phú, nhưng chợ huyện Chi Lăng thì khác. Chợ Chi Lăng rất lớn, có đầy đủ hàng hóa từ hóa mỹ phẩm, thực phẩm chế biến và tươi sống, điện tử và may mặc… các mặt hàng may mặc đa dạng chủng loại và giá rất mềm do được nhập từ Trung Quốc sang.

Có thấy các mặc hàng hóa mỹ phẩm của Mỹ Hảo, Lix… nhưng số lượng ít, đa phần vẫn là sản phẩm của Unilever và P&G.

Ngành hàng nước chấm có các sản phẩm của Chinsu, Thái Long, Meizan, Cái Lân. Sản phẩm của Cholimex hầu như ít thấy xuất hiện trên các quầy kệ trong chợ.

Hàng nhựa thì đa phần là sản phẩm của Song Long và Việt Nhật, theo các tiểu thương, sản phẩm này giá mềm, có đủ chủng loại và giao hàng nhanh.

 

Bình luận của bạn