Bắc Giang xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề

Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề truyền thống góp phần tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, việc này vẫn gặp không ít khó khăn.

Xây dựng, thương hiệu,  sản phẩm, làng nghề

Cơ sở sản xuất rượu của ông Nguyễn Văn Tường, Chủ tịch Hội sản xuất tiêu thụ rượu cổ truyền Vân Hà (Việt Yên).

Còn lắm gian nan

Cơ sở sản xuất tương của gia đình ông Nguyễn Anh Tuấn, thôn Thanh Long, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) là địa chỉ cung cấp sản phẩm tin cậy cho nhiều người. Tương được ủ làm men theo phương pháp thủ công. Bình quân mỗi năm, cơ sở cung cấp khoảng 2 vạn lít ra thị trường. Sản phẩm được nhiều người tin dùng bởi cái gạo màu vàng óng, đặc sánh, vị thơm ngon và thời gian lưu giữ lâu. Dẫu vậy, không chỉ cơ sở sản xuất Anh Tuấn mà nhiều hộ dân làm tương ở địa phương đang gặp khó khăn do chi phí nguyên liệu là gạo nếp cái hoa vàng và men tự nhiên cao, thời gian làm ra một mẻ tương dài, khó cạnh tranh với tương công nghiệp chi phí thấp, giá bán rẻ hơn. Cùng đó, tương công nghiệp đóng nhãn mác giống sản phẩm truyền thống của địa phương ảnh hưởng tới  uy tín sản phẩm.

Được biết, xã Trí Yên có hơn 20 hộ làm tương bán ra thị trường. Năm 2001, HTX Dịch vụ nông lâm Trí Yên được thành lập nhằm tập hợp các hộ sản xuất và xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên do tương làm bằng phương pháp thủ công nên việc giữ vững chất lượng, sức cạnh tranh gặp khó khăn. Khắc phục tình trạng này, tháng 12-2015, UBND huyện Yên Dũng trích 130 triệu đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ; Sở Công thương hỗ trợ  giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ. Hiện người sản xuất nơi đây đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “tương Trí Yên”.

Tại làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên), 17 gia đình tham gia HTX Vân Hương đã xây dựng thành công nhãn hiệu hàng hóa; áp dụng công nghệ tiên tiến đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nên có đầu ra thuận lợi. Còn lại toàn bộ sản phẩm rượu của hơn 300 hộ dân nơi đây vẫn tự “bơi” bằng cách bán lẻ, không nhãn mác. Chủ động tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường, tháng 5-2015,  chính quyền địa phương đã thành lập Hội sản xuất tiêu thụ rượu cổ truyền Vân Hà, tiến tới xây dựng thương hiệu rượu Vân Hà. Theo đó, UBND huyện Việt Yên hỗ trợ máy lọc rượu cho 8 thành viên và hướng dẫn cải thiện môi trường sản xuất. Hiện sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu. Do rượu nấu bằng phương pháp thủ công truyền thống, quy mô gia đình nên nhiều người lo ngại khi đã có văn bằng bảo hộ vẫn khó cạnh tranh trên thị trường.

Thực tế, hầu hết sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn chưa xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa. Một số sản phẩm truyền thống đang có thị trường tiêu thụ rộng lớn như: Bánh đa Kế, mỳ Kế, bánh đa nem Thổ Hà, rượu Kiên Thành … tuy đã được cấp nhãn hiệu bảo hộ nhưng vẫn chưa phát huy hết hiệu quả bởi người dân phần lớn hoạt động tự phát, làm thủ công, manh mún nên năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định, mẫu mã, bao bì chưa được quan tâm đúng mức.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Toàn tỉnh hiện có 39 làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng nghìn lao động. Nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2020 có 80% nông sản chủ lực và sản phẩm làng nghề truyền thống được bảo hộ. Theo đó, chính quyền địa phương, các sở, ban ngành đã, đang có nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ tích cực cả trước và sau khi đăng ký nhãn hiệu như: Nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; xúc tiến, quảng bá thương mại, cho vay vốn ưu đãi. Hàng hóa sau bảo hộ được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 10 triệu đồng/sản phẩm, khuyến khích giữ vững.

 
Toàn tỉnh hiện có 22 sản phẩm hàng hóa được bảo hộ nhãn hiệu, trong đó có 9 sản phẩm làng nghề truyền thống. Tháng tới, sản phẩm rượu Vân Hà, tương Trí Yên sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu.
 

Tại huyện Lục Ngạn, sau khi bảo hộ thành công nhãn hiệu mỳ Chũ, UBND huyện, Sở Công thương đã chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho hơn 50 hộ mua máy tráng. Qua đây năng suất sản phẩm tăng, chất lượng bảo đảm. T.Ư Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ 80 triệu đồng xây lò chứa, xử lý rác thải, giảm thiểu ô nhiễm làng nghề Thủ Dương, bảo đảm vệ sinh an toàn môi trường sản xuất. Hằng năm, UBND huyện còn trích từ 30-50 triệu đồng từ ngân sách hỗ trợ in bao bì, nhãn mác cho sản phẩm. TP Bắc Giang, huyện Việt Yên quy định trích 50 triệu đồng từ ngân sách hỗ trợ tổ chức tập huấn, đào tạo khoa học kỹ thuật và in bao bì nhãn mác, quảng bá sản phẩm: Mỳ Kế, bánh đa Kế, bún Đa Mai, bánh đa nem Thổ Hà… Nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống như mây tre đan Tăng Tiến đang được quan tâm xây dựng dự án phát triển nguồn nhân lực.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục và phát triển làng nghề. Cùng với hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền, các hộ dân, cơ sở sản xuất cũng phải tích cực nâng cao trình độ, tay nghề sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Tỉnh có cơ chế, chính sách cụ thể về nguồn vốn, nhất là đối với sản phẩm làng nghề truyền thống đã được bảo hộ để đầu tư máy móc, kỹ thuật sản xuất. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, giữ gìn và nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị thương hiệu sau bảo hộ cần được người dân làng nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã đặc biệt quan tâm. Thực tế, xây dựng thương hiệu đã khó, để thương hiệu tạo thành của cải vật chất, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân làng nghề còn khó gấp bội lần.

Bình luận của bạn