Bắc Giang: Chờ đợi các Điểm bán hàng Việt Nam
Ngoài Điểm bán hàng Việt Nam được xây dựng từ năm 2015 từ nguồn hỗ trợ của Bộ Công Thương, đến nay, tỉnh Bắc Giang chưa xây dựng được điểm bán nào đạt chuẩn.
Hiệu quả từ Điểm bán hàng Việt Nam đầu tiên
Năm 2015, nhận được hỗ trợ từ Bộ Công Thương, mô hình Điểm bán hàng Việt Nam đã được xây dựng tại cửa hàng Vinh Tám (số 158, đường Lê Lợi – TP. Bắc Giang). Với 40 triệu đồng từ kinh phí hỗ trợ, chủ cửa hàng đã đầu tư trang thiết bị, nâng cấp địa điểm bán hàng, treo biển hiệu bắt mắt. Chủ cơ sở còn được tư vấn về những quy định của pháp luật trong kinh doanh và đặc biệt là cam kết chỉ bán hàng sản xuất trong nước. 100% hàng hóa tại điểm bán là hàng Việt Nam. Hàng hóa được bày ngăn nắp trên kệ cao, chủ yếu là đặc sản của tỉnh như mỳ Chũ, mật ong Lục Ngạn, chè Bản Ven (Yên Thế)...
Trên bao bì từng sản phẩm có đầy đủ tem mác, ghi rõ xuất xứ, chất lượng, địa chỉ sản xuất theo đúng quy định giúp khách hàng yên tâm lựa chọn. Ông Lâm Quang Vinh - chủ cửa hàng - cho biết: Sau khi làm Điểm bán hàng Việt Nam, bình quân mỗi ngày, gần trăm lượt người đã đến mua hàng, doanh thu tăng cao so với trước. Người tiêu dùng đến đây chọn mua hàng hóa vì tin tưởng các sản phẩm đúng nguồn gốc xuất xứ với giá cạnh tranh, không phải hàng nhái, hàng giả.
Không những là điểm bán tin cậy của người dân địa phương, Điểm bán hàng Việt Nam này còn thu hút rất đông khách du lịch và người tiêu dùng khu vực lân cận. Phát huy hiệu quả, định hướng của chủ cửa hàng trong thời gian tới là sẽ đa dạng hơn nữa các sản phẩm đặc sản bày bán tại cửa hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Trước những hiệu quả cao mà Điểm bán hàng Việt Nam mang lại, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo: Trong năm 2016, mỗi huyện, thành phố xây dựng từ 1 – 2 Điểm bán hàng Việt Nam. Tuy nhiên, kết thúc năm 2016, vẫn chưa có thêm điểm bán mới nào đạt chuẩn được xây dựng do địa phương này chưa phát triển được nhiều mô hình bán lẻ uy tín. Các chủ cửa hàng cũng còn băn khoăn về những cam kết khi phải bán 100% hàng “Made in Việt Nam”. Cùng với đó, hàng hóa có nhiều chủng loại, chủ cửa hàng rất khó giám sát về chất lượng để thực hiện đúng các quy định về nhãn mác, niêm yết giá theo quy định.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, để mô hình Điểm bán hàng Việt Nam được xây dựng theo đúng lộ trình và mang lại hiệu quả, cần có sự quan tâm vào cuộc tích cực hơn của UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh trong việc ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ, hướng dẫn các chủ hộ kinh doanh đăng ký thực hiện làm điểm. Thời gian tới, các phòng, ban chuyên môn của Sở Công Thương tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa quan trọng của mô hình Điểm bán hàng Việt Nam để chủ hộ kinh doanh cũng như người dân ủng hộ việc xây dựng, nhân rộng.