Thay đổi thói quen tiêu dùng hàng Việt của người dân Bắc Giang

Bắc Giang có tuyến đường huyết mạch lưu thông với các cửa khẩu tại Lạng Sơn nên từ lâu người dân đặc biệt tại nông thôn đã quen với việc sử dụng hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc. Chính vì vậy việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt về đây là hết sức cần thiết, nhằm giúp người dân biết và tin dùng hàng hóa sản xuất trong nước hơn.

Mới đây, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thuộc Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam, UBND huyện Lục Ngạn tổ chức Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn tại khuôn viên trung tâm huyện Lục Ngạn. Năm nay, 20 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với trên 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm cùng 2 gian hàng mang đặc trưng của huyện, 4 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình. Dù chỉ diễn ra trong 3 ngày (25-27/5) nhưng phiên chợ đã thu hút đông đảo người dân quanh thị trấn Chũ (Lục Ngạn) cũng như bà con nhiều vùng lân cận đến thăm quan và mua sắm.

Trong số những doanh nghiệp tham gia, có nhiều đơn vị uy tín, sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích như: Công ty Cổ phần bột giặt Lix, Công ty Cổ phần sản xuất nhựa Duy Tân, Công ty Cổ phần thực phẩm Choilimex, Công ty Cổ phần Thế Hệ Xanh, Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Quy Phúc... Các doanh nghiệp này đã chung tay trao 60 suất quà gồm: Bột giặt, đồ nhựa gia dụng, đồ ăn sẵn đóng gói cho 30 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện, mỗi suất trị giá từ 600 - 800 nghìn đồng; 30 suất quà, mỗi suất trị giá từ 400 - 600 nghìn đồng cho 30 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Trước đó, phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” đầu tiên ở miền Bắc do BSA phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức tại chợ đầu mối nông sản Lục Ngạn đã thu được kết quả ngoài mong đợi. Chỉ trong một ngày đêm, phiên phiên chợ đã thu hút được hơn 10.000 lượt người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm, với doanh thu đạt gần 670 triệu đồng. Từ đó đến nay, năm nào, tỉnh cũng phối hợp với các huyện đưa hàng sản xuất trong nước tới các vùng nông thôn, đặc biệt chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều bà con đồng bào dân tộc sinh sống, như: Huyện Sơn Động, Yên Thế, Hiệp Hòa… Tại đây, các doanh nghiệp bán và giới thiệu nhiều mặt hàng như: May mặc, đồ gia dụng, đồ dùng học tập, hàng điện tử, dịch vụ viễn thông, thực phẩm, công nghệ, công cụ sản xuất nông nghiệp... tất cả đều là hàng Việt Nam, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, tại mỗi phiên chợ còn diễn ra hoạt động tuyên truyền, phổ biến Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tặng quà cho học sinh nghèo hiếu học...

Sau những nỗ lực, đến nay, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Bắc Giang. Đặc biệt, bà con vùng sâu, vùng xa đã biết cách phân biệt hàng Việt Nam chất lượng cao với hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trong điều kiện thu nhập của người dân nông thôn nói chung và các xã miền núi tỉnh Bắc Giang nói riêng còn eo hẹp, doanh nghiệp ngoài việc chú trọng chất lượng cũng cần quan tâm đến giá cả cho phù hợp, tìm hiểu kỹ hơn nhu cầu người dân…

Bình luận của bạn