Bắc Kạn: Tìm đầu ra ổn định cho nông sản địa phương

Là địa phương có thế mạnh về các loại nông sản, đặc sản, đặc biệt của bà con khu vực đồng bào miền núi, vùng dân tộc, thời gian qua, Bắc Kạn đã chủ động triển khai các giải pháp để tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm này.

Đa dạng giải pháp xúc tiến thương mại

Bắc Kạn được đánh giá là một trong những địa phương miền núi sở hữu nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương. Thống kê của Sở Công Thương Bắc Kạn cho thấy, toàn tỉnh hiện có 184 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có 01 sản phẩm 5 sao; 18 sản phẩm 4 sao; 165 sản phẩm 3 sao và nhiều nông sản địa phương khác. Các sản phẩm như: Miến dong Bắc Kạn, Nano Curcumin, tinh bột nghệ, trà hoa vàng, bún khô, măng khô... đang là những sản phẩm nông sản có tiềm năng thế mạnh, từng bước khẳng định uy tín nhãn hiệu, thương hiệu trên thị trường. Trong các sản phẩm này, có rất nhiều sản phẩm thuộc sở hữu của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Để tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh cho bà con, thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại đã được tỉnh Bắc Kạn đặc biệt quan tâm bằng cách xây dựng các nội dung của nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy, HĐND và Kế hoạch Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, có sự phối hợp và triển khai đồng bộ các giải pháp giữa các sở, ngành, địa phương, sự chỉ đạo, giúp đỡ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh, thành phố.

Bắc Kạn có nhiều sản phẩm thế mạnh của bà con đồng bào dân tộc

Các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm đã và đang được triển khai đa dạng và linh hoạt. Đơn cử, Sở Công Thương Bắc Kạn đã hỗ trợ 08 đơn vị xây dựng website bán hàng, tiếp thị sản phẩm; hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, tổ nhóm tập huấn kỹ thuật về kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ nâng cao năng lực cho trên 19 doanh nghiệp, HTX tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế https://www.alibaba.com và tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước như: https://shopee.vn, https://www.sendo.vn...

Sở Công Thương cũng tiếp tục đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm hàng hóa của địa phương có hiệu quả, đặc biệt đối với các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể. Mở rộng mạng lưới hợp tác; liên kết trao đổi thông tin đa chiều giữa tỉnh với hệ thống cơ quan quản lý, các đơn vị hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Nghiên cứu, lựa chọn hình thức triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài bằng nhiều hình thức; thông qua tổ chức đoàn giao dịch, tham gia các hội chợ tại nước ngoài, kênh ngoại giao trong nước, mời gọi các đại sứ quán tham quan trải nghiệm sinh thái vùng nguyên liệu, ẩm thực, văn hóa...

Hằng năm, Sở còn tham mưu cho tỉnh tổ chức nhiều sự kiện, chương trình giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của tỉnh và các sản phẩm hàng hóa bản địa để doanh nghiệp, HTX, các hiệp hội nghiên cứu, tìm hiểu và ký kết các hợp đồng tiêu thụ, từng bước hướng tới xuất khẩu. Tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ và kết nối giao thương các sản phẩm hàng hóa tỉnh Bắc Kạn; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về hàng hóa và dịch vụ của tỉnh.

Đầu ra cho sản phẩm được đảm bảo

Cùng với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ khâu sản xuất, chế biến đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hiện nay, nhiều sản phẩm thế mạnh của bà con đồng bào dân tộc thiểu số địa phương đã tìm được đầu ra ổn định. Đơn cử, sản phẩm bí xanh thơm của Ba Bể đã được đưa đi tiêu thụ các địa phương trong cả nước. Tại Hà Nội và miền Nam, bí xanh thơm Ba Bể đã được bán tại Coopmart, Winmart, Lottemart và nhiều siêu thị, cửa hàng.

Từ sản phẩm bí xanh thơm, các hợp tác xã, tổ hợp tác đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để chế biến, chế biến sâu tạo ra các sản phẩm mới như trà bí xanh thơm, bí thái lát, bột bí, mứt bí.... Nhờ đó, sản phẩm bảo quản được lâu hơn, tiêu thụ xa hơn và gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm.

Bà Ma Thị Ninh - Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương (thôn Nà Giảo, xã Yến Dương, huyện Ba Bể) cho biết, tại xã Yến Dương, cây bí thơm được người dân gìn giữ và phát triển theo quy trình sản xuất sạch, an toàn. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm thị trường, đến nay, sản phẩm bí xanh của Hợp tác xã đã được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn cả nước. Sản lượng trung bình hằng năm tiêu thụ từ 500 - 700 tấn/năm.

Ngoài sản phẩm bí thơm, thông qua các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã đại diện ký kết các Bản ghi nhớ hợp tác cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với Tập đoàn General Goup - Bic C; Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp; Tập đoàn AEON - Việt Nam và Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, các sàn giao dịch thương mại điện tử. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có cơ hội đưa sản phẩm nông sản địa phương vào các chuỗi siêu thị, các sàn thương mại điện tử… Một số sản phẩm chủ lực được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu như miến dong, rượu men lá, nghệ, mơ… Các sản phẩm đặc sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn từng bước được thị trường trong nước đánh giá cao, có sức cạnh tranh, thị trường ổn định.

Với nhiều nỗ lực quảng bá, kết nối tiêu thụ nông, lâm sản, Bắc Kạn đã có được thành công bước đầu trong xúc tiến thương mại. Hàng trăm sản phẩm nông sản đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trên cả nước. Thông qua các hợp đồng được ký kết đã góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân, góp phần giải quyết tình trạng “được mùa mất giá”; như cây dong riềng, các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh miến dong đã bao tiêu gần như 100% sản lượng củ dong riềng trong tỉnh cho người dân; đối với cây nghệ, chỉ riêng Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành đã bao tiêu khoảng 5.000 tấn nghệ cho người dân; đối với bí xanh thơm, 10 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã bao tiêu sản lượng khoảng 4.000 tấn…

Đối với việc tiêu thụ sản phẩm do chính các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, chế biến, các hợp tác xã đã rất chủ động trong tìm kiếm đối tác, tìm kiếm thông tin về thị trường tiêu thụ. Thông qua các hợp đồng ký kết, kết quả tiêu thụ sản phẩm tăng dần qua các năm, như Hợp tác xã Khẩu nua lếch năm nay tăng diện tích vùng nguyên liệu gấp 4 lần so với năm 2017; Hợp tác xã Tài Hoan tăng sản lượng từ 100 tấn năm 2018 lên hơn 300 tấn năm 2022 và tiếp tục phát triển trong năm 2023 này. Đầu ra ổn định, sinh kế cho bà con cũng được đảm bảo hơn.

Theo ông Hà Sỹ Thắng - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đề xuất tham mưu với UBND tỉnh các hình thức xúc tiến thương mại phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã tham mưu với Sở trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Kế hoạch tổ chức Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc - Bắc Kạn và chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại năm 2023 tại thành phố Bắc Kạn. Dự kiến triển khai vào cuối tháng 11/2023. Đây là cơ hội lớn rộng mở đầu ra cho sản phẩm địa phương.

 

Bình luận của bạn