Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt
Việc gia nhập Thỏa ước Lahay là cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (KDCN) trong tiến trình hội nhập. Từ đó, ngăn chặn hành vi sao chép trái phép hoặc giả mạo, nâng cao vị thế cạnh tranh, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và tạo khả năng sinh lợi.
Ngày 5/9, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức hội thảo “Hệ thống Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp”.
Phát biểu tại hội thảo, bà Paivi Lahdesmaki, Cố vấn cao cấp, Bộ phận Đăng bạ Lahay (WIPO) cho biết, việc bảo hộ KDCN nhằm ngăn chặn hành vi sao chép trái phép hoặc giả mạo, nâng cao vị thế cạnh tranh, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và tạo khả năng sinh lợi.
Hiện liên minh Lahay có 69 thành viên ký kết, các thành viên tham gia hệ thống sẽ có nhiều quyền lợi như, nộp một đơn đăng ký quốc tế duy nhất với một hệ thống đăng ký quốc tế duy nhất hoặc nhiều bên ký kết được chỉ định. Nếu không bị từ chối, đăng ký quốc tế KDCN sẽ có hiệu lực và được bảo hộ tại mỗi bên ký kết được chỉ định.
Điểm chính của hệ thống Lahay cho phép chủ sở hữu KDCN đăng ký bảo hộ cho các kiểu dáng của họ với hình thức đơn giản nhất; tiết kiệm chi phí thanh toán một nhóm duy nhất chỉ bằng một loại tiền tệ và hiệu quả trong hỗ trợ việc quản lý sau đăng ký. Ngoài ra, chủ sở hữu quyền có nhiều cơ hội tập trung vào các thị trường quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Phụ trách Phòng Kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), thấy được những lợi ích của hệ thống Lahay, Cục Sở hữu trí tuệ đã chuẩn bị về thủ tục pháp lý và nguồn lực để trình Chính phủ gia nhập Thỏa ước Lahay.
Cụ thể về mặt pháp lý, tập trung phân tích những điểm khác biệt giữa hệ thống pháp luật của Việt Nam về KDCN và quy định của Văn kiện Geneva 1999; xây dựng nội dung các tuyên bố của Việt Nam khi gia nhập thỏa ước, đồng thời phân tích khả năng thay đổi các quy định trong nước để phù hợp với hệ thống Lahay và với xu thế chung trên thế giới; xây dựng hệ thống phí đối với đơn quốc tế có chỉ định Việt Nam; đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Thỏa ước Lahay.
Bên cạnh đó, Cục cũng chuẩn bị về nguồn lực, như hệ thống công nghệ thông tin: đường truyền Internet tốc độ cao, máy tính, máy in... đảm bảo giao dịch giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Văn phòng quốc tế WIPO không bị gián đoạn. Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ lập nhóm chuyên gia phụ trách về đơn đăng ký KDCN quốc tế được lựa chọn từ các thẩm định viên, chuyên viên có năng lực và trình độ tiếng Anh tốt. Đồng thời, đào tạo các cán bộ ở các bộ phận có liên quan nắm vững quy định của hệ thống Lahay, cũng như những cam kết của Việt Nam và cách thức vận hành hệ thống.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thu Anh, đại diện sở hữu công nghiệp, Giám đốc công ty Luật AMBYS Hà Nội cho biết, trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của nước ta được đăng ký bảo hộ KDCN tập trung vào khoảng 5 - 7 mặt hàng như: Thiết bị điện tử, bao bì, hộp túi, nhãn sản phẩm, đồ gỗ và cấu kiện xây dựng.
Tuy nhiên, xu thế hội nhập đang phát triển mạnh mẽ, một số công ty, tập đoàn lớn của Việt Nam như Vingroup, FPT, Viettel, Vinamilk... đang vươn ra thị trường quốc tế với những chiến lược và tính toán cẩn trọng, hàng năm họ cũng đăng ký hàng trăm sản phẩm sở hữu công nghiệp, trong đó bao gồm KDCN ra nước ngoài.
“Doanh nghiệp Việt Nam mong muốn có được sự hỗ trợ của Nhà nước ở nhiều khía cạnh, trong đó bao gồm cả vấn đề tham gia các hiệp ước quốc tế về đăng ký sở hữu công nghiệp nói chung và KDCN nói riêng, để ở mức độ nhất định giảm thiểu những khó khăn pháp lý và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp trên con đường tìm kiếm sự bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập”, bà Nguyễn Thu Anh nhấn mạnh ./.