Báo Pháp: Trái vải Việt tìm được thị trường mới sau khi bị Trung Quốc quay lưng

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ trái vải lớn nhất của Việt Nam, nhưng xu hướng này đang thay đổi khi trái vải Việt Nam lần đầu tiên được xuất bán sang thị trường Úc và Mỹ trong năm nay, AFP nhận định trong bài viết đăng tải hôm 15.7.

Hồi năm ngoái, việc Bắc Kinh ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam diễn ra trước thời điểm thu hoạch vải thiều.

Ông Tran Van Sang, một thương lái buôn trái cây 42 tuổi ở huyện Lục Ngạn thuộc tỉnh Bắc Giang, nói với AFP rằng mặc dù vụ mùa lúc đó bội thu, nhưng lái buôn Trung Quốc đã không sang mua trái vải. Đã có một số lượng lớn trái vải bị bỏ mặc cho héo ở khu vực cửa khẩu 2 nước vào năm 2014, theo các thương lái Việt Nam.

Trong năm nay, lái buôn Trung Quốc đã tấp nập quay trở lại Lục Ngạn để mua vải thiều, nhưng do lo sợ tái diễn tình trạng hồi năm 2014, một số nông dân và thương lái Việt Nam đã tìm kiếm thị trường mới ổn định hơn.

alt

Thương lái Trung Quốc thu mua vải thiều ở Bắc Giang - Ảnh: Hà An

Chấm Việt Nam 8/10 điểm

Số lượng trái vải Việt Nam xuất bán sang Úc và Mỹ vẫn rất nhỏ, tổng cộng chỉ vào khoảng 35 tấn cho cả 2 thị trường, nhưng đây là một bước tiến đáng kể, AFP dẫn lời các chuyên gia bình luận.

Alex Alexopoulos, một nhà nhập khẩu vải thiều tại Úc, cho biết việc mua vải Việt Nam đem lại nhiều lợi ích.

“Việc mua trái cây từ Việt Nam (bằng đường hàng không) nhanh hơn rất nhiều so với việc vận chuyển từ đầu này sang đầu kia nước Úc, vốn thường tốn đến 4 ngày nếu đi bằng xe”, ông Alexopoulos nói với AFP.

“Do nhanh hơn nên vải Việt Nam tại Melbourne thường tươi hơn..., và độ tươi của trái cây là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi”, ông này cho hay.

Vốn đã là một nhà cung cấp cà phê, gạo và cá da trơn lớn trên thế giới, Việt Nam đang dần chuyển hướng tập trung cho trái cây, AFP bình luận. Hiện tại, trên thị trường quốc tế, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu trái cây lớn thứ 8, sau các nước như Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ.

Phần lớn sản lượng trái cây thu hoạch được tiêu thụ trong nước, nhưng xuất khẩu hiện đang tăng trưởng mạnh, với kim ngạch xuất khẩu tăng từ 622 triệu USD hồi năm 2011 lên hơn 1,4 tỉ USD trong năm 2014, AFP cho hay.

Robert Guillermo, một chuyên gia kiểm định chất lượng sản phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, đánh giá Việt Nam có tiềm năng tốt.

“Với thang điểm 10, tôi chấm họ 8 điểm. Họ rất giỏi… Họ lắng nghe yêu cầu chúng tôi đề ra”, ông cho biết.

Mở cửa thị trường mới sẽ giúp Việt Nam giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, AFP dẫn lời ông Nguyễn Văn Tuất, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận định.

Ông Tuất đưa ra đề xuất rằng Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình để trở nên chủ động và nâng cao khả năng sinh lợi về mặt kinh tế hơn.

Vải thiều Việt Nam bán cho các công ty ở Mỹ hoặc Úc sẽ có giá cao hơn giá thị trường khoảng 20%, ông Nguyễn Hữu Đạt thuộc Cục Bảo vệ Thực vật cho hay. Ông nói với AFP rằng mức giá bán cho Mỹ, Úc “cao và ổn định hơn so với năm ngoái, khiến nông dân rất phấn khởi”.

Theo http://www.dunghangviet.vn/

Bình luận của bạn