Bàu Bàng: Hiệu quả từ các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh về cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tại huyện Bàu Bàng, trong thời gian qua, hoạt động này được triển khai thường xuyên và đạt được kết quả khả quan.
Đưa hàng Việt đến tận nơi
Thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bàu Bàng đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh, Phòng Kinh tế huyện và UBND các xã tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, trong đó Chương trình Phiên chợ vui phát huy hiệu quả cao, các sản phẩm hàng Việt chất lượng cao đã đến tận tay người tiêu dùng.
Ông Phạm Thanh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bàu Bàng cho biết, trong năm 2016, huyện đã tổ chức được 3 phiên chợ vui đưa hàng Việt về nông thôn, vào dịp đầu năm, giữa năm và cuối năm. Mỗi phiên kéo dài 3 ngày, phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân, người lao động (NLĐ) tại địa phương. Các phiên chợ đã thu hút được hơn 20 doanh nghiệp tham gia cung ứng hàng hóa, mỗi phiên có gần 4.000 lượt người tham quan và mua sắm.
Qua việc tổ chức các phiên chợ vui đã giúp cho người dân, NLĐ nâng cao được nhận thức trong việc lựa chọn các sản phẩm Việt, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp văn hóa trong tiêu dùng của người Việt Nam. Chị Phạm Thị Yến, làm việc tại Công ty Cửa sổ mùa xuân, KCN Bàu Bàng cho biết, do công việc nên không có thời gian mua sắm, qua các phiên chợ đã tạo điều kiện cho NLĐ được biết những sản phẩm hàng Việt chất lượng cao mà giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền NLĐ.
Bên cạnh đó, tại quầy hàng các đại lý, tiệm tạp hóa đều đầy ắp hàng Việt, trong đó các sản phẩm có chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” chiếm hơn 60%. “Trước đây các mặt hàng ngoại nhập thường chiếm số lượng lớn nhưng gần đây các mặt hàng Việt được bà con lựa chọn mua nhiều hơn do sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, giá cả phù hợp. Như tại đại lý tạp hóa của cô, đa số là hàng Việt, chỉ có một số mặt hàng là hàng ngoại nhập như bánh, kẹo nhưng ít người hỏi”, cô Nguyễn Thị Ánh, chủ đại lý tạp hóa chợ Lai Uyên nói.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc triển khai các chương trình của CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Ông Phạm Thanh Tân nhận định, hạn chế hiện nay khi triển khai CVĐ chính là tâm lý của người dân. Tuy có sự thay đổi trong việc tin tưởng khi mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt nhưng thực tế vẫn còn một số bộ phận người dân chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng hàng hóa, sản phẩm Việt, vẫn mua sắm hàng ngoại. Do đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của CVĐ, từ đó chọn hàng Việt khi mua sắm, tiêu dùng.
Cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân thì huyện cũng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia CVĐ cũng đầu tư máy móc, công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao, giá thành cạnh tranh. “Hiện nay, các sản phẩm ngoại, nhất là các sản phẩm của Trung Quốc có mẫu mã đẹp, giá rẻ nên thu hút được nhiều người mua, nhất là NLĐ. Do đó, các doanh nghiệp Việt phải có thay đổi để sản xuất các sản phẩm tốt hơn, giá rẻ hơn để phục vụ cho người dân, nhất là người dân có thu nhập thấp, công nhân tại các nhà máy, KCN”, chị Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Công ty RK Resources, KCN Bàu Bàng chia sẻ.
Ông Phạm Thanh Tân cũng cho biết thêm, nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia CVĐ, huyện cũng đã có các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ 70% trên tổng chi phí thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh, hỗ trợ mặt bằng triển khai các Phiên chợ vui, hội chợ… “Bên cạnh việc tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp thì Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cũng tập trung các giải pháp để CVĐ đạt hiệu quả cao nhất, trong đó có các giải pháp như bán hàng Việt khuyến mại, bình ổn giá thị trường, đưa hàng Việt đến ngày hội công nhân…”, ông Tân nhấn mạnh.