Cà phê Việt - Giọt đắng thế và lực
Mới đây, có những thông tin khiến những ai quan tâm tới cà phê Việt không khỏi quan ngại: Trung Quốc đang ra sức trồng cây cà phê. Diện tích cà phê của riêng tỉnh Vân Nam đã tới gần 125.000 ha (chiếm 85% diện tích cà phê toàn Trung Quốc), trong khi vài năm trước chỉ khoảng 40.000 ha. Từ một nước hoàn toàn nhập khẩu cà phê, năm ngoái, Trung Quốc đã bắt đầu xuất khẩu cà phê hạt sang Đức, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và cà phê hòa tan do một số hãng rang xay lớn đầu tư nhà máy tại Vân Nam.
Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê, Trung Quốc chủ yếu trồng cà phê Arabica có chất lượng, giá trị cao hơn cà phê Robusta (chiếm 90% diện tích cà phê Việt Nam), dù sản lượng chưa nhiều bằng Việt Nam, chăm sóc theo phương pháp dùng phân hữu cơ nên chi phí cao... nhưng cà phê Trung Quốc bán với giá rẻ hơn, nhằm tạo dựng thương hiệu.
Và, sự ảnh hưởng bất lợi tới cà phê Việt đã nhãn tiền. Một doanh nghiệp tiết lộ: Những năm trước, cà phê Việt xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc khá lớn, mỗi năm tới 50.000- 100.000 tấn, nhưng đến nay hầu như không đáng kể.
Nhìn tổng thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2015, Việt Nam chỉ xuất được 474.000 tấn cà phê, trị giá 987 triệu USD, chỉ bằng 59,4% về lượng và 61,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014- sự sụt giảm không thể bàng quan.
Thị trường cà phê thế giới đang có thêm một đối thủ lớn đầy tham vọng. Liệu vị trí thứ hai thế giới vững chắc nhiều năm qua của cà phê Việt có bị lung lay trong tương lai gần? Để tìm câu trả lời, cần nhìn lại “thế” và “lực” của cà phê Việt.
Hiện nay, tổng diện tích cà phê cả nước khoảng 640.000 ha, trong đó, vườn cà phê già cỗi, năng suất, chất lượng thấp, chiếm tới 40% (khoảng 86.000 ha trên 20 năm tuổi, chiếm 15%; khoảng 140.000 ha 15-20 năm tuổi, chiếm 25%). Việc “cải lão hoàn đồng” vườn cà phê đã được đặt ra nhiều năm nhưng thực thi chẳng được bao nhiêu.
Một lo ngại khác, theo các chuyên gia, đó là Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân thô, giá trị thấp. Nếu cà phê Việt không đi theo hướng chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao thì mãi mãi chỉ là địa chỉ cung ứng nguyên liệu giá rẻ cho các tập đoàn cà phê rang xay, hòa tan thế giới mà thôi!
Hiện Việt Nam cũng có những thương hiệu cà phê tên tuổi như Vinacafe, Trung Nguyên, sao vẫn chưa đủ sức mạnh, tự tin bước ra thị trường cà phê thế giới.
Con đường hướng đến tương lai của cà phê Việt có vẻ ngày càng nhiều cam go?
Nguồn: Báo Công Thương