Cá tra, tôm Việt Nam cháy hàng tại Boston

Tại hội chợ triển lãm quốc tế thuỷ sản Boston 2017 (Seafood Expo North America) diễn ra từ ngày 19 – 21/3/2017 ở Boston, bang Massachusetts, cá và tôm nhập từ Việt Nam cháy hàng, nhưng con đường phía trước vẫn còn nhiều trắc trở, nhất là với đạo luật Farm Bill.

dau bep my cung kheo leo quang ba catfish, vì nó mà cá tra bi vu khong ban pha gia2

Đầu bếp Mỹ cũng khéo léo quảng bá catfish, vì loài cá này mà cá tra bị quy chụp bán phá giá.

10 giờ sáng chủ nhật 19/3, trước giờ khai mạc, con đường gần cầu cảng Boston cách hội chợ khoảng 500m đã kẹt cứng xe ra vào. Boston cổ kính tốp đầu nước Mỹ với khoảng 124km2, dân số 667.137 người (2016) nhưng ngày này, đường sá chật chội do phải đón hàng ngàn đoàn khách quốc tế dự hội chợ.

Hội chợ thường niên năm nay có khoảng 1.200 doanh nghiệp thuỷ sản đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới tham gia. Đứng trên thang cuốn lầu 1 nhìn xuống, khu trưng bày gian hàng rộng gấp bốn, năm lần SECC của Việt Nam, vậy mà, các gian hàng bố trí ken cứng. Người ta đánh số gian hàng theo dãy số tự nhiên và nó kết thúc ở con số 4.178.

Dòng người lũ lượt, rồng rắn chen chân trong không gian lối đi chật hẹp. Có cảm giác như người ta mang tới đây những thứ thuỷ hải sản tinh tuý nhất trên khắp các đại dương, lục địa để so tài, quảng bá chứ không chỉ là để bán hàng. Có những con cá hồi Na Uy to bằng bắp đùi còn tươi nguyên được xếp lớp lớp trên cái thuyền đá không lẫn vào đâu được.

Miếng cá ngừ hồng hào được đầu bếp Nhật khéo léo lạng mỏng dính kẹp với món cơm cuộn, rưới lên ít mù tạt mà đầu bếp Nhật liền tay đưa cho thực khách nếm thử, đã minh chứng chỉ có Nhật Bản mới phát triển được ngành đánh bắt cá ngừ đại dương.

Na Uy còn khiến du khách ngỡ ngàng với món hàu, vẹm sống chấm mù tạt. Một con hàu sữa còn tươi rói, bỏ vào một cái hũ thuỷ tinh, vắt miếng chanh và ít nước xốt được chủ nhà hảo tâm, ai tới cũng đãi một con dù giá lên tới 2 USD.

Du khách thấy những con tôm hùm to bằng cổ chân nằm vắt ngang trong bể, cũng ngầm hiểu không quốc gia nào qua mặt được chủ nhà Mỹ khai thác loài hải sản quý này. Sát bên hội chợ là cảng Boston, bến cập của ngành khai thác tôm hùm lớn nhất Bắc Mỹ, nên tôm này dường như nổi bật nhất ở hội chợ.

Điểm nổi bật của sự kiện là vừa trưng bày sản phẩm, vừa chế biến món cho khách hàng thử ngay tại chỗ. Gian hàng nào cũng bố trí một đầu bếp. Mỗi gian hàng, mỗi loại nguyên liệu là có một vị, mùi đặc trưng khá riêng. Bạn chỉ cần “lội” chưa tới nửa dãy gian hàng để nếm hàng mẫu là có thể no cứng cái bụng.

Các nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc… cũng biết cách tạo nét riêng biệt với tôm sú, tra, rô phi. Ba mặt hàng này thường chiếm tới 70% sản lượng thuỷ sản nhập khẩu của Mỹ hàng năm, nên từ sáng sớm ngày khai mạc, các nhà nhập khẩu đã tới đông đen để mua hàng.

Thông điệp Seafood Expo North America đưa ra năm nay là hướng đến sản phẩm thuỷ hải sản an toàn và thân thiện. Cá tra, tôm và có thêm một ít hải sản không đáng kể của công ty Hải Vương, Nha Trang của Việt Nam mang đến hội chợ được doanh nghiệp chuẩn bị kỹ càng các loại “giấy thông hành”! Minh Phú chứng minh vùng nuôi tôm của mình ở Cà Mau, Sóc Trăng đạt BAP. Hùng Vương, Vĩnh Hoàn có vùng nuôi cá tra đạt ASC, GlobalGAP và BAP.

Tập đoàn thuỷ sản Beaver có trụ sở tại TP Jacksonville, Florida, khi đặt vấn đề mua cá tra của Hùng Vương, Vĩnh Hoàn cũng nêu tiêu chí kiểm soát chất lượng lên hàng đầu. Đại diện Beaver cho biết, họ không quyết định được điều này mà do người của cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) giám sát.

Trên thực tế, hiện mỗi nhà máy chế biến thực phẩm tại Mỹ có một người của FDA giám sát qua phòng thí nghiệm độc lập tại nhà máy của doanh nghiệp. Ông Hua Xin Uynh, đại diện công ty H&N Group (Mỹ), người đầu tiên cách nay hơn 20 năm đưa cá tra Việt Nam tới người dùng Mỹ cũng khẳng định, sắp tới FDA sẽ giám sát cá tra theo Farm Bill, thời gian dự kiến là tháng 9 năm nay.

Gian hàng của H&N Group trưng bày chủ đạo sản phẩm cá Việt Nam nhưng bao bì, mẫu mã, quy cách sản phẩm được H&N Group làm lại, trông khá bắt mắt. Ông Uynh cho rằng Farm Bill sẽ có lợi cho Việt Nam, dự báo thị trường cá tra sắp tới sẽ có thay đổi về chất lượng nên ngay từ hội chợ này, H&N Group phải “tút” lại mặt hàng này cho phù hợp.

Đoán được những khó khăn mà cá tra Việt Nam phải đối mặt sau tháng 9, nhà nhập khẩu Mỹ tranh thủ mua hàng. Đại diện tập đoàn thuỷ sản Piazza, TP New Orleans, bang Louisiana, nhận định nếu Farm Bill áp dụng trong tháng 9 thì khả năng thị trường Mỹ hụt cá tra là rất lớn, do doanh nghiệp Việt Nam phải có thời gian đáp ứng các yêu cầu mà Mỹ đưa ra. Do đó, không cứ gì Piazza, nhiều tập đoàn thuỷ sản hàng đầu ở Mỹ đã đẩy mạnh ký hợp đồng mua con cá tra. Họ mong muốn ký hợp đồng sáu tháng, giao hàng trước tháng 9 nhưng doanh nghiệp Việt Nam vì lo ngại hụt nguyên liệu nên chỉ ký tối đa ba tháng. Giá cá tra, do đó đã tăng ít nhất 10% so với tháng 1 ngay trong ngày đầu diễn ra hội chợ. Điều này ít xảy ra ở các lần hội chợ trước đây.

 

Nhiều dự báo cho thấy nguồn cung cá tra của Việt Nam trong năm 2017 sẽ thiếu hụt trên 40% so với nhu cầu nhập khẩu, tình trạng này còn kéo dài cho đến quý 1/2018 do nguồn cá giống bị ảnh hưởng từ những cơn mưa đầu năm nay và xảy ra cho đến tận những ngày giữa tháng 3 vừa qua. Một số doanh nghiệp còn dự báo tình hình nguyên liệu sẽ càng thiếu hụt khi thị trường Hong Kong và Trung Quốc bị ảnh hưởng dịch cúm gia cầm. Các thị trường khác như Canada, Chile, Brazil, Mexico… đều có nhu cầu cao hơn mọi năm và giá cá tra tại các thị trường này cũng đang đồng loạt tăng. Với tình hình trên, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng lên trên 26.000 đồng/kg và còn nhiều biến động cho đến hết năm 2017, khi cung chỉ đáp ứng được tối thiểu 50% nhu cầu nhập khẩu.

 

 

Bình luận của bạn