Cần hỗ trợ bán lẻ nội để phát triển hàng Việt

Sáng 7-3, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp trong nước năm 2017.

Buổi gặp trở nên sôi nổi khi xen giữa các kiến nghị, ý kiến của doanh nghiệp, ban chủ tọa đã chủ động yêu cầu lãnh đạo, phụ trách các sở, ngành của thành phố giải đáp, cung cấp thông tin liền ngay. 

Hỗ trợ bán lẻ nội để phát triển hàng Việt

Một lần nữa câu chuyện về bán lẻ ngoại tràn vào VN ảnh hưởng đến hàng Việt lại được các doanh nghiệp đưa ra tại hội nghị, các doanh nghiệp mong muốn được thành phố có thêm chính sách hỗ trợ cho hàng Việt.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc Saigon Food, cho biết năm 2016 chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán lẻ và giữa nhà bán lẻ với các doanh nghiệp liên quan đến chiết khấu hàng. Đến nay các doanh nghiệp đã đạt được mức chiết khấu 15% sau khi đã đoàn kết đấu tranh.

Doanh nghiệp VN đã biết liên kết lại để chiến đấu, buộc nhà bán lẻ ngoại không tăng chi phí chiết khấu nhưng sự việc này cũng gióng lên cảnh báo về sự lấn lướt của nhà bán lẻ ngoại.

Năm 2016 cũng chứng kiến sự phát triển ồ ạt của các chuỗi cửa hàng tiện lợi phát triển ồ ạt. Tuy nhiên khi phát triển quá nhanh, bản thân sự phát triển của họ chưa có sự chuẩn bị, doanh số không tăng nhưng chi phí bán hàng tăng, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, bà Thanh Lâm đề xuất TP.HCM cần có những chính sách tạo điều kiện cho siêu thị nội phát triển. Hiện nay chiết khấu các siêu thị nội không quá 10%, nếu hệ thống này được nâng đỡ thì các doanh nghiệp VN cũng sẽ có điều kiện phát triển.

Các hệ thống siêu thị nội nếu đã áp dụng chiết khấu hợp lý thì nên giữ nguyên mức này, hỗ trợ các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh bán hàng ở kênh siêu thị hiện đại.

Theo các doanh nghiệp, năm 2016 TP.HCM ban hành nhiều chính sách, đưa ra các gói kích cầu, khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao, hạ tầng... phát triển doanh nghiệp nhưng nếu nói về thủ tục hành chính thì so với các địa phương lân cận thì thành phố vẫn thấp điểm hơn.

Cấp bách xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa

Ông Diệp Dũng cho biết câu chuyện thị trường bán lẻ hiện nay là về chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng. Các tập đoàn sản xuất của Hàn Quốc, Nhật Bản khi đầu tư vào một quốc gia bên ngoài luôn có những nhà cung ứng đi làm. Và điều kiện để họ có thể đi theo nhóm đó là sự chuẩn hóa về sản phẩm, quy trình sản xuất và hệ thống giá trị.

Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp VN cũng muốn tham gia chuỗi cung ứng nhưng yếu tố chuẩn hóa của doanh nghiệp không đạt dẫn đến không thể gia nhập được chuỗi. “Hiện chúng ta có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng các hỗ trợ này cần đưa ra điều kiện sản phẩm của doanh nghiệp phải đạt chuẩn hóa chất lượng nào”, ông Dũng nói.

Ngay cả khi thành phố có điều kiện xúc tiến hàng Việt ra thị trường bên ngoài, thì việc hỗ trợ này cũng cần được lựa chọn kỹ, nên chọn thị trường trọng điểm, xác định thị trường mục tiêu để bơm nguồn lực tập trung mới có thể hi vọng xuyên thủng thị trường, hàng Việt bám rễ vững chắc.

Một cách khác để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, theo đại diện Công ty nhựa Bình Minh, là tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng, lãi suất hợp lý hơn. Ngoài ra, phải cấp thiết xây dựng một quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia để doanh nghiệp tuân thủ, đây cũng là cách xây dựng hàng rào bảo vệ thị trường trong nước.

“Nhiều mặt hàng kém chất lượng vô tư tràn vào VN như đồ chơi trẻ em do chúng ta không có những quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Quan trọng hơn, sự lỏng lẻo này khiến các doanh nghiệp VN không dám sản xuất vì cạnh tranh không lại”, đại diện nhựa Bình Minh nói.

Bình luận của bạn