Cần nâng tầm phiên chợ hàng Việt về nông thôn
Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn là cơ hội để doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm; đồng thời giúp người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận sản phẩm có chất lượng tốt. Tuy nhiên, việc tổ chức các phiên chợ cần được đổi mới để đạt hiệu quả như mong đợi.
Mở rộng thị trường
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại vừa tổ chức phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Vạn Ninh (ngày 16 và 17-11) và xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa (ngày 19 và 20-11). Mỗi phiên chợ có hơn 30 gian hàng của 21 DN trong và ngoài tỉnh, thu hút sự quan tâm của người dân địa phương. Tại đây, người tiêu dùng được tiếp cận với nhiều sản phẩm sản xuất trong nước có chất lượng; đặc biệt là sản phẩm của các DN có uy tín trong tỉnh như: Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản 584 Nha Trang, DN tư nhân Chín Tuy, Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại Violet Nha Trang… Các mặt hàng được giới thiệu tại phiên chợ phần lớn là hàng tiêu dùng thiết yếu như: nước mắm, bột giặt, quần áo, mũ bảo hiểm, chăn ga gối nệm, túi xách… Bà Đỗ Thị Loan (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) chia sẻ: “Ngay khi phiên chợ vừa khai mạc, tôi và một số người dân đã đến tham quan, mua sắm. Tôi thấy sản phẩm bán tại phiên chợ có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả khá phù hợp và có nhiều khuyến mãi, ưu đãi cho khách hàng”.
Theo bà Nguyễn Thị Thái Bình - Phó Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản 584 Nha Trang, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn là cơ hội để DN quảng bá sản phẩm, mở rộng hệ thống bán lẻ, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, nhu cầu sử dụng hàng Việt của người dân ở vùng nông thôn rất lớn nhưng việc tiếp cận với các sản phẩm có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng còn hạn chế.
Cần sự đổi mới
Việc tổ chức các phiên chợ này là hoạt động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, cách tổ chức phiên chợ chưa có nhiều đổi mới. Theo ý kiến của một số DN, các phiên chợ tổ chức trong một thời gian rất ngắn và không cố định nên chưa thật sự tạo được dấu ấn. “Có một vài phiên chợ được tổ chức gần Tết Nguyên đán nên sức mua và số lượng người dân tham quan rất đông. Nhưng vài năm gần đây, thời gian tổ chức không cố định, khi thì tháng 5, tháng 10 hoặc tháng 11... Nếu được tổ chức vào các dịp lễ, Tết thì phiên chợ sẽ đạt hiệu quả cao hơn”, bà Lê Thị Thúy Lành, nhân viên một công ty sản xuất nước sốt đặc sản tham gia phiên chợ nói.
Quy mô phiên chợ cũng còn hạn chế, thông thường chỉ trên dưới 30 gian hàng của hơn 20 DN, trong đó phần lớn là những DN quen thuộc mà ít thấy nhân tố mới. Tham gia phiên chợ, các DN được hỗ trợ chi phí vận chuyển, miễn phí tiền mặt bằng, điện, an ninh trật tự, chi phí tuyên truyền chung... Tuy nhiên, theo nhiều DN, mục đích khi tham gia phiên chợ là giới thiệu sản phẩm và mở rộng hệ thống phân phối, còn về doanh thu thì không đáng kể. Bởi nếu tính về mặt kinh tế, doanh thu tại phiên chợ so với chi phí vận chuyển, tiền nhân công… thì nhiều khi DN bị lỗ. Vì vậy, ngoài các DN lớn luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu, một số DN nhỏ sau vài lần tham gia đã “mất hút”. Ngoài ra, theo ý kiến người dân, sản phẩm tại các phiên chợ chưa thật sự phong phú, đa dạng, phần lớn bán các sản phẩm của các công ty có chứ chưa bán các mặt hàng người tiêu dùng cần.
Ông Võ Đình Thoại - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: “Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, hàng năm, trung tâm đều tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn để tạo cơ hội cho DN tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng nông thôn, quảng bá sản phẩm, mở rộng kênh phân phối; người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm Việt, chất lượng cao. Kinh phí thực hiện các phiên chợ được bố trí theo quy định. Trong thời gian tới, để đổi mới phiên chợ hàng Việt về nông thôn, trung tâm sẽ kêu gọi các DN có sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp tiêu biểu tham gia để tăng thêm sự phong phú, đa dạng cho phiên chợ”.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi các DN tham gia, đơn vị tổ chức nên tìm hiểu về nhu cầu hàng hóa của người dân địa phương khi thực hiện phiên chợ hàng Việt. Ngoài ra, để các phiên chợ hàng Việt về nông thôn đạt hiệu quả, rất cần sự hưởng ứng tích cực từ các DN trong và ngoài tỉnh.