Cánh cửa cho hàng Việt vào Thái Lan ngày một rộng hơn
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 15,3 tỷ USD năm 2017 và phấn đấu đạt 20 tỷ USD năm 2020. Tuy nhiên, Việt Nam đang nhập siêu từ Thái Lan cao nhất trong khu vực ASEAN.
Trong khi hàng hóa Thái Lan, đặc biệt là hàng tiêu dùng, nhập khẩu vào Việt Nam ngày một nhiều thì ở chiều ngược lại, hàng Việt vào Thái Lan còn gặp khá nhiều khó khăn. Tuần hàng và du lịch Việt Nam tại Bangkok, Thái Lan diễn ra từ 22-26/8 được kì vọng sẽ góp phần đảo chiều tình thế này.
Nỗi buồn xuất thô
Sau 2 kỳ liên tiếp đưa hàng Việt sang Thái dự sự kiện Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan, Công ty Hạnh Silk đã có một số đơn hàng xuất khẩu sang Thái Lan. Tuy nhiên bà chủ của thương hiệu lụa này vẫn không khỏi buồn trước thực tế lụa xuất sang Thái chủ yếu là xuất thô, chưa có thương hiệu riêng của Việt Nam.
“Công nghệ nhuộm của mình không bằng Thái Lan nên Hạnh Silk hiện đang xuất thô rất nhiều hàng sang Thái với giá rất thấp. Một nguyên nhân khác là chính sách của Thái Lan ngặt nghèo nên hàng lụa Việt Nam khó vào. Điều này rất đáng buồn. Thái Lan đã có 'số má' trên bản đồ tơ lụa thế giới, trong khi Việt Nam gần như xếp cuối cùng”, bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc Công ty Lụa Hanh Silk (cơ sở sản xuất tại làng nghề Đũi Nam Cao, Kiến Xương, Thái Bình) chia sẻ.
Phía Thái Lan không muốn lấy thương hiệu của Việt Nam mà chỉ lấy phần thô, rồi họ nhuộm các màu xuất đi các nước với thương hiệu Made in Thái Lan. Doanh nghiệp (DN) Việt không chủ động được về thị trường, không có khách hàng trực tiếp mà phải thông qua đơn vị bên Thái với các hợp đồng ngắn hạn kí một năm một lần...
Đó là những lí do khiến DN này dù đã 3 lần “mang chuông đi đánh xứ người” nhưng vẫn chưa thể đưa được lụa của mình vào hệ thống phân phối tại Thái Lan.
Thực tế, có rất ít DN lụa Việt Nam đi ra nước ngoài xúc tiến thương mại như Hạnh Silk, thứ nhất là do kinh phí lớn, thứ nữa là mối e ngại khó cạnh tranh với lụa Thái Lan.
Bà Hạnh mong muốn trong vòng vài năm nữa, lụa Việt Nam sẽ có tên trên bản đồ lụa thế giới, không phải nhờ sản lượng nhờ vào tính độc đáo.
“Lụa Trung Quốc, Ấn Độ sản xuất công nghiệp thì mình không thể cạnh tranh. Nhưng đũi Nam Cao mà chúng tôi sản xuất khác biệt với các làng nghề ở Việt Nam và cả thế giới, sợi tơ được kéo hoàn toàn trong nước lạnh. Chúng tôi sản xuất theo chuỗi khép kín từ trồng dâu nuôi tằm, cung cấp giống tằm cho bà con rồi thu lại kén, kiểm soát vùng nguyên liệu cũng như đầu vào, dùng màu tự nhiên từ củ nâu, lá chàm… Sản xuất lụa theo lối thủ công, chân đạp tay giật theo lối xưa, dù sản lượng không cao nhưng lại mang giá trị truyền thống”, bà Hạnh nói về sự khác biệt của sản phẩm đũi Nam Cao.
Để thu hút khách hàng, chủ thương hiệu Hạnh Silk đã mời các nghệ nhân tại Thái Bình sang hội chợ Thái Lan tái hiện các công đoạn sản xuất, giúp mọi người biết tơ lụa Việt Nam được làm như thế nào.
Tự tin cạnh tranh dựa vào thế mạnh riêng
Không chấp nhận xuất thô nguyên liệu, các DN Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm chế biến đã đầu tư xây dựng thương hiệu và đi vào những phân khúc mà Thái Lan còn yếu hoặc còn trống. Theo các DN, đó là cách nhanh nhất để có thể đưa được hàng vào thị trường Thái Lan.
Theo ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm, Giám đốc Công ty Hải Bình Gia Lai, hoa quả chế biến là thế mạnh lâu nay của Thái Lan, nhưng ngành hạt thì họ lại không mạnh bằng Việt Nam. Và đó là cơ hội cho DN của ông tận dụng.
Tại sự kiện Tuần hàng Việt tại Thái vừa diễn ra, 150 kg hạt điều của Công ty Hải Bình Gia Lai mang sang giới thiệu đã bán hết sạch trong 3 tiếng mở gian trưng bày. Đó là minh chứng cho thấy khách hàng Thái rất quan tâm đến sản phẩm hạt điều sấy khô của Việt Nam.
"Hiện nay, Thái Lan thường dùng hạt điều đã chế biến trắng, sau đó chiên lên, tẩm đường, gia vị. Còn hàng Việt Nam làm theo cách truyền thống, tức là để nguyên rồi rang muối. Cách này giữ được mùi vị ban đầu của hạt", ông Lâm giải thích.
Ngay trong cùng một ngành hàng phải cạnh tranh trực diện với DN Thái, hàng Việt vẫn có những thế mạnh riêng có thể tận dụng. Chẳng hạn, với ngành hàng hoa quả sấy khô, Vinamit tự tin sẽ có những khách hàng của riêng mình do Thái Lan thường dùng phẩm để tạo màu, vị ngọt nhiều trong khi hàng Việt giữ nguyên màu sắc, hương vị của sản phẩm.
Nhờ thành công của lần tham dự trước, Vinamit được phía Thái Lan đặt hàng 7 sản phẩm. Với lần tham gia này, Vinamit giới thiệu 20 sản phẩm vào thị trường Thái, trong đó có những sản phẩm mới như cà phê tươi sấy, sữa chua sấy khô.
Theo bà Vũ Thanh Trúc, Giám đốc kinh doanh quốc tế của Vinamit, DN đưa hàng vào Thái Lan khá thuận lợi do có đầy đủ các chứng chỉ chứng minh chất lượng sản phẩm như chứng chỉ organic, chứng chỉ sang Mỹ hay châu Âu, FDA…
“Để có được những chứng chỉ này, chúng tôi phải mất 4 - 5 năm trời. Họ xuống tận trang trại để kiểm tra hằng năm trong suốt thời gian đó, theo dõi mình có làm đúng quy trình hay không. Khi có được chứng chỉ rồi thì điểm khó hiện nay chỉ là vấn đề thời gian làm thủ tục. Xuất khẩu hàng vào thị trường Thái Lan, Malaysia hay Indonesia phải mất 4 - 5 tháng cho các thủ tục gửi qua gửi lại”, bà Trúc cho hay.
Các thương hiệu khác của Việt Nam như nước mắm Thanh Quốc, trái cây sấy Thuận Thiên Thành… cũng đã chọn khẩu vị chế biến khác biệt để chinh phục thị trường Thái. Điểm còn yếu của DN Việt Nam hiện nay là vấn đề làm bao bì, hình ảnh, hoàn thiện các tiêu chuẩn khắt khe.
“Trong 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Thái Lan đạt 9,5 tỷ USD, tăng gần 14,2% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu của Việt Nam sang Thái cũng tăng đáng kể ở mức tăng 19,4%. Đây là con số phấn khởi nhưng về con số tuyệt đối thì chúng ta vẫn nhập siêu với Thái Lan. Việc xúc tiến thương mại và giới thiệu hàng Việt qua đường chính ngạch vào các hệ thống bán lẻ lớn của Thái Lan rất quan trọng", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định.