Cao Bằng: Đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm từ ong, tạo sinh kế bền vững cho người dân

Nhiều năm qua, nghề nuôi ong lấy mật đã trở thành một nguồn sinh kế bền vững, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình ở Cao Bằng.

Sinh kế cho người dân địa phương

Toàn tỉnh Cao Bằng hiện có hơn 330 nghìn ha rừng tự nhiên và hàng chục nghìn ha rừng trồng phân tán. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều năm trở lại đây, nghề nuôi ong lấy mật đang mở ra hướng phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo cho nhiều nông hộ tại tỉnh Cao Bằng. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có hơn 300 hộ nuôi ong (quy mô từ 20 đến 300 đàn), sản lượng mật khai thác hằng năm hơn 900 nghìn lít.

Đồng thời, nghề nuôi ong lấy mật còn có vai trò quan trọng trong việc thụ phấn cho cây trồng, làm tăng năng suất và chất lượng mùa màng, đảm bảo tính đa dạng sinh học của các loài thực vật và bảo vệ môi trường sinh thái.

Việc thu hoạch mật ong thường diễn ra từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm, là thời gian có nguồn hoa phong phú nhất trong năm, thời điểm này hoa rừng và hoa nhãn bắt đầu nở. Giá bán mật ong dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/lít, tùy loại (mật hoa nhãn, mật hoa rừng, mật đắng, mật hoa xuyến chi…).

Sau khi tích luỹ được kinh nghiệm, người dân tỉnh Cao Bằng đã tự thực hiện việc nhân đàn và liên tục mua giống để mở rộng quy mô đàn ong. Hiện tại, một số hộ nuôi nuôi ong không chỉ dừng lại ở việc khai thác mật mà còn để cung cấp giống ong cho các hộ gia đình khác.

Cao Bằng nổi tiếng với mật ong hoa nhãn. Mật ong từ hoa nhãn có hương vị ngọt ngào, thơm mát, có màu sắc đẹp và đặc biệt có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe và làm đẹp, nên được thị trường ưa chuộng. Do đó, người nuôi ong thường tập trung vào việc khai thác mật trong mùa hoa nhãn, thời điểm hoa nở rộ là mật có hương vị ngon nhất trong năm.

Để có được mật ong hoa nhãn, người nuôi ong cần di chuyển đàn ong của mình đến nơi tập trung nhiều nhãn trên địa bàn tỉnh. Sau khi thu hoạch mật từ hoa nhãn, người nuôi ong sẽ di chuyển đàn ong về nhà để tiếp tục thu hoạch mật từ hoa rừng.

Nghề nuôi ong mật không phải đầu tư quá nhiều về chi phí, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn hoa từ thiên nhiên. Khi nguồn hoa trong một khu vực cạn kiệt, người nuôi ong sẽ di chuyển đàn ong sang vùng khác có hoa để thu mật.

Để duy trì đàn ong khỏe mạnh, năng suất cao và sản phẩm mật chất lượng, cần phải kiểm tra và vệ sinh thường xuyên cho các thùng ong, đảm bảo thùng khô ráo và sạch sẽ. Hơn nữa, cần áp dụng biện pháp bảo vệ đàn ong khỏi lạnh và nóng, tránh các tác động có thể gây xáo trộn cho đàn ong. Bên cạnh đó, người nuôi cần hiểu rõ tập tính của ong.

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm

Với nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2023, lần đầu tỉnh Cao Bằng có hai sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đó là mật ong Đoàn Linh, ở xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình và mật ong Hoàng Tung, ở xã Hoàng Tung, huyện Hòa An. Đây được xem là bước khởi đầu quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, nâng cao chất lượng thương hiệu, uy tín của các sản phẩm mật ong tại địa phương, từ đó, tiếp tục mở rộng thị trường.

Người phát triển, xây dựng thành công thương hiệu mật ong Đoàn Linh là chị Ma Thị Kim Oanh, ở xóm Giang Sơn, xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình. Chị Oanh chia sẻ, chị khởi nghiệp với vài đàn ong, rồi tích lũy kinh nghiệm qua các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, tìm hiểu trên mạng internet và vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Đến nay gia đình đã phát triển lên số lượng 100 đàn ong, mỗi năm thu được từ 800 đến 1.000 lít mật, giá bán 200 nghìn đến 250 nghìn đồng/lít tùy loại mật; thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Nhiều gia đình khác ở xóm Tài Hồ Sìn, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An cũng đầu tư nuôi ong, thu mật, phục vụ sinh hoạt gia đình, làm quà và tiêu thụ ở thị trường nội địa, giúp cải thiện, nâng cao thu nhập.

Để hỗ trợ cho người dân địa phương đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm từ ong, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã liên tục được tổ chức thời gian qua. Để kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương tập trung thực hiện kế hoạch xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2025; chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình cung, cầu thị trường hàng hóa nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực đang vào vụ thu hoạch để kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Theo thống kê của Sở Công Thương Cao Bằng, năm 2022, Cao Bằng tham gia 8 hội chợ triển lãm trong nước; hỗ trợ 46 lượt doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia 9 hội chợ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương đến người tiêu dùng các tỉnh, thành phố trong nước. Mở rộng hợp tác với các kênh phân phối và hệ thống siêu thị lớn như: Siêu thị Big C, hệ thống siêu thị Vinmart, hệ thống cửa hàng siêu thị mini, cửa hàng lưu niệm... tại các tỉnh, thành trong cả nước. Phối hợp tổ chức 10 hội chợ triển lãm, thương mại trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các doanh nghiệp, HTX tham gia được miễn phí tiền thuê gian hàng và hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển.

Gần nhất, Hội chợ Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng năm 2023 dự kiến sẽ được tổ chức trong 05 ngày (từ ngày 07 - 11/10/2023) tại Km5, phường Đề Thám - Thành phố Cao Bằng. Hội chợ dự kiến có quy mô có 260 gian hàng, trong đó,  Khu triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng, dự kiến 60 gian; Khu triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố tham gia dự kiến 80 gian;  Khu thương mại, dịch vụ tổng hợp dự kiến 120 gian. Sản phẩm tham gia Hội chợ là các mặt hàng nông sản đặc hữu, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh; Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng; Các món ẩm thực mang đặc trưng của các vùng miền...

Hiệu quả của nghề nuôi ong đã được khẳng định, nhất là đối với một tỉnh miền núi như Cao Bằng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Các sự kiện này được triển khai được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng thị trường cho các sản phẩm địa phương, trong đó có các sản phẩm từ ong, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

 

Bình luận của bạn