Chắp cánh cho hàng Việt
Nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú, hoạt động kết nối thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp sôi động, đó là những đốm sáng trên hành trình thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong năm 2016.
Để chắp cánh cho hàng Việt, năm 2016, Sở Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động nổi bật. Trong đó, nhân sự kiện Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Chiêng Mường lần thứ 2, tỉnh đã tổ chức thành công “Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và hàng tiêu dùng khu vực miền Bắc”. Hội chợ diễn ra từ ngày 20-27/10/2016 tại Quảng trường Hoà Bình. Đây là hội chợ cấp vùng với quy mô 200 gian hàng gồm các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hàng tiêu dùng của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Tiếp đó, ngày 17/11, cũng trong khuôn khổ dịp lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, “Phiên chợ vùng cao tỉnh Hoà Bình” đã được tổ chức tại bờ trái sông Đà. Phiên chợ có quy mô trên 90 gian hàng của các huyện, thành phố, các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Các khu trưng bày bán các sản phẩm tiêu biểu của các địa phương với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng, có chất lượng cao. Phiên chợ đã tái hiện không gian văn hóa chợ vùng cao với nhiều sắc thái văn hóa truyền thống, giới thiệu và góp phần gìn giữ phong tục, tập quán đa dạng, phong phú của các dân tộc. Qua đây, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: cam, quýt Cao Phong, bưởi Tân Lạc, rau sạch Lương Sơn, nước khoáng Kim Bôi, khăn, áo thổ cẩm Mai Châu... đã được giới thiệu tới hàng ngàn du khách trong và ngoài tỉnh.
Nhìn lại lộ trình, Sở Công Thương nhận định: Năm 2016, hoạt động hội chợ triển lãm được đẩy mạnh. Trong năm đã tổ chức 7 hội chợ thương mại tại các huyện Lạc Thuỷ, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Kim Bôi, Yên Thuỷ và TP Hoà Bình. Đây là hoạt động thương mại có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, xúc tiến đầu tư, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh và quảng bá thương hiệu sản phẩm của các địa phương trong tỉnh và cả nước. Đồng thời tạo cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động “Người ViệtNam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Cùng với đó, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cũng được triển khai hết sức nghiêm túc. Sở Công Thương đã xây dựng 1 điểm bán hàng “ Tự hào Việt Nam” tại xã Ngọc Sơn huyện Lạc Sơn với kinh phí 100 triệu đồng. Quy mô chưa lớn nhưng đây là một trong những bước đi đầu trong lộ trình xây dựng hệ thống bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh. Chương trình bán hàng được xây dựng với kỳ vọng người dân có cơ hội được tiếp cận với các sản phẩm do Việt Nam sản xuất, có chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Trên cơ sở đó tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng nội địa. Trong năm, tỉnh tiếp nhận 4.100 thông báo khuyến mại của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh các ngành hàng trong cả nước dưới hình thức tặng quà, giảm giá bán sản phẩm, đưa hàng hoá mẫu… trị giá gần 11.500 tỷ đồng. Ngành Công Thương đã tổ chức triển khai, điều phối đúng nội dung đăng ký, góp phần làm cho thị trường tiêu dùng trên địa bàn thêm sôi động, đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển hàng hoá, kích thích tiêu dùng, tăng sức mua, tăng doanh số bán hàng.
Một hoạt động không kém phần quan trọng góp phần “nâng cánh” cho hàng Việt đó là: khi triển khai chương trình bình ổn giá vào các dịp lễ tết, Sở Công Thương chỉ dẫn cho các doanh nghiệp thương mại cam kết chỉ đưa vào chương trình bình ổn giá các sản phẩm hàng hóa do Việt Nam sản xuất.
Đánh giá tổng quát về tình hình thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2016, đồng chí Bùi Đình Giót, Phó Chủ tịch ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Ban thường trực BCĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhận định: Việc triển khai, thực hiện CVĐ trong năm 2016 đã được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo kịp thời. Các cơ quan thành viên đã tăng cường tuyên truyền về CVĐ. Các cơ quan Nhà nước tăng cường chỉ đạo, quản lý, tạo cơ chế, chính sách giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng lực SX-KD, tạo môi trường tốt cho hàng hóa nội địa. Đặc biệt với các chương trình triển lãm, Hội chợ thương mại, chương trình “Đưa hàng Việt về với nông thôn”, chương trình “Tự hào hàng Việt”… đã giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận trực tiếp với các sản phẩm thương hiệu Việt. Qua đó, giúp người dân có thêm thông tin, sự hiểu biết để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu… dành “đất” cho hàng Việt phát triển. Dẫu việc triển khai CVĐ chưa thực sự thuyết phục và đồng bộ giữa các cấp, các ngành, sức lan tỏa của CVĐ còn hạn chế, nhưng bằng những hoạt động cụ thể ở một số ngành, trong đó có ngành Công Thương đã góp phần “nâng cánh” cho thương hiệu Việt, tạo nét mới cho CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn.