“Chắp cánh hàng Việt” Thống nhất cách làm, xây dựng tiêu chí cụ thể

Ngày 27-3, Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TPHCM (BCĐ CVĐ) tiếp tục làm việc với Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam và Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce về việc khảo sát, triển khai chương trình “Chắp cánh hàng Việt” theo kế hoạch của UBND TPHCM. Đồng thời định hướng xây dựng kế hoạch tuyên truyền hỗ trợ hàng Việt trong giai đoạn 10 năm tới.

Nhu cầu thực phẩm sạch rất lớn

Báo cáo tại buổi làm việc, các đơn vị cho biết, hiện hàng Việt chiếm 93%-95% trong tổng doanh thu của siêu thị. Hàng hóa bán tại các trung tâm phân phối của Mega Market và Vinmart, Vinmart+ đều đạt chất lượng cao, được tuyển chọn rất kỹ lưỡng từ các nhà cung ứng có uy tín.

Nhóm hàng nông sản thực phẩm như rau củ quả, hàng thủy hải sản đã đạt tỷ lệ 100% là hàng đạt chuẩn VietGAP, GloboGAP. Cá biệt có những nhóm hàng như thịt heo, thịt và trứng gia cầm, một số loại rau củ quả đang bán tại Mega Market được truy xuất nguồn gốc ngay từ khi sản phẩm được nuôi trồng, tạo sự yên tâm cho khách hàng.

Để làm được việc này, 2 hệ thống phân phối đã tập trung hợp tác với các hộ nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn mà siêu thị đưa ra và bao tiêu sản phẩm. Cách làm là ứng vốn không lãi suất, hỗ trợ chuyên môn, đào tạo người dân sản xuất hàng hóa đạt chất lượng để cung ứng cho hệ thống. Tuy nhiên, quá trình này vẫn gặp rất nhiều khó khăn vì các hộ nông dân không đủ kiên nhẫn để thực hành sản xuất theo các tiêu chuẩn mà nhà phân phối yêu cầu.

“Chúng tôi làm việc rất nhiều với các tỉnh, cũng như các doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất để kết nối đưa hàng vào hệ thống phân phối của công ty nhưng kết quả chưa như mong muốn. Nguyên nhân chính là quy mô sản xuất tại các địa phương rất nhỏ lẻ, chủng loại và số lượng hàng hóa không ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu thu mua. Không chỉ vậy, nhiều hộ nông dân, HTX nông nghiệp còn ngại làm hồ sơ công bố năng lực để bán hàng vào siêu thị, nên công ty mất khá nhiều thời gian cho công đoạn này”, bà Cao Ngân Hà, Phó Tổng giám đốc Marketing Công ty Vincommerce, nói.

Đi vào cụ thể, bà Đinh Thị Hoàng Ngân, chuyên viên thu mua ngành hàng thực phẩm tươi sống Vincommerce, cho biết, sau nhiều lần kết nối cung cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành, công ty đã ký kết nhiều bản ghi nhớ. Nhưng chỉ có 1-2 bản ghi nhớ là triển khai tốt, số còn lại không thực hiện được do nhà cung cấp thiếu hồ sơ thủ tục, không đủ năng lực cung ứng. Bên cạnh đó, DN, nông dân không mạnh về vốn trong khi điều kiện thanh toán của nhà bán lẻ ít nhất cũng 15 ngày sau khi giao hàng. Đây cũng là trở ngại khiến các HTX, DN địa phương không muốn đưa hàng vào siêu thị.

Ngoài ra, VinGroup đang tự triển khai dự án VinEco nhưng giá nông sản sản xuất theo chuẩn VietGAP thường cao hơn giá các sản phẩm sản xuất thông thường khoảng 30%. Để thúc đẩy và tạo sự cạnh tranh, tất cả sản phẩm VinEco đang được bán với giá ưu đãi và chấp nhận bị lỗ. Điều này đẩy công ty vào tình trạng “khó chồng khó” do rất vất vả tìm nguồn hàng để đa dạng hóa, trong khi nhu cầu thị trường tiêu thụ các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP là rất lớn.

Chuẩn hóa hàng Việt để thu hút khách hàng

Liên quan đến việc triển khai thực hiện CVĐ, các DN cho rằng trong thời gian qua chưa có giải pháp đi vào chiều sâu. Do vậy, chủ trương của TPHCM xây dựng chương trình “Chắp cánh hàng Việt” trên địa bàn TP là hoàn toàn phù hợp với tình hình mới vì nếu chúng ta cứ mãi duy trì khẩu hiệu “ưu tiên hàng Việt” trong khi chất lượng hàng hóa không đảm bảo, sẽ rất khó tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng.

Tại buổi làm việc, các bên cho rằng, với chương trình “Chắp cánh hàng Việt”, TP xem hệ thống phân phối là chủ thể chính trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, thông qua việc hợp sức để thống nhất các tiêu chí cụ thể cho từng ngành hàng. Nhà sản xuất phải đảm bảo các tiêu chí chung được đưa ra, đạt chất lượng thì mới được đưa vào hệ thống. Nói cách khác, các nhà phân phối sẽ phát tín hiệu thị trường từ đó các nhà sản xuất phải tham gia để định hướng lại quá trình sản xuất. Khi chúng ta có đủ nguồn hàng, TP sẽ kết nối để các DN có thể thỏa thuận mua và bán theo giá thị trường. Cách làm này giúp nâng trách nhiệm của nhà sản xuất, gián tiếp hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm của TP. Người dân TP sẽ được cung cấp các sản phẩm nông sản thực phẩm có thương hiệu, có chất lượng và an toàn.

Song song đó, chương trình cũng tập trung vào các giải pháp hỗ trợ, định hướng, giúp chuẩn hóa sản xuất ngành hàng nông sản thực phẩm tươi sống như rau củ quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản... Từ đó sẽ giúp ổn định cung - cầu, hạn chế “giải cứu”. Việc chuẩn hóa, nâng chất hàng hóa thông qua thực hiện sản xuất tốt theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, HACCP, đầu tư cho bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc giúp đưa nông sản Việt vươn xa hơn, hướng tới xuất khẩu.

 

Bình luận của bạn