Chất lượng sản phẩm tạo nên uy tín, thương hiệu của tôn, thép Việt Nam
Với nền tảng vững chắc được xây dựng trong 15 năm qua, Tập đoàn Hoa Sen đang từng bước khẳng định tầm vóc của một doanh nghiệp năng động, đóng góp nhiều cho ngành tôn, thép trong nước, khẳng định thương hiệu Việt trên trường quốc tế. Ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về những định hướng phát triển ngành tôn, thép bền vững trong thời gian tới.
Phóng viên (PV): Từ một doanh nghiệp kinh doanh tôn nhỏ lẻ, Tập đoàn Hoa Sen đã trở thành một tập đoàn hàng đầu về tôn, thép ở Việt Nam và Đông Nam Á. Xin ông cho biết giá trị kinh doanh cốt lõi mà doanh nghiệp thực hiện?
Ông Vũ Văn Thanh: Không tự nhiên mà Tập đoàn Hoa Sen vươn lên dẫn đầu thị trường tôn, thép Việt Nam, trở thành doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được chọn vào cộng đồng doanh nghiệp tăng trưởng toàn cầu năm 2015. Để có được thành quả ấy, ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã chọn con đường phát triển thương hiệu một cách độc đáo, xuất phát từ cái tâm thực sự của người kinh doanh chân chính, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng. Kiên định với triết lý kinh doanh “Trung thực - cộng đồng - phát triển”, tập đoàn xem đây là kim chỉ nam cho các hoạt động để đưa đến những sản phẩm “bán đúng giá - đúng tiêu chuẩn - đúng chất lượng - được bảo hành” cho người tiêu dùng.
Giá trị kinh doanh của tập đoàn đạt được từ sự trung thực, minh bạch trong mọi hoạt động và luôn chia sẻ với cộng đồng những giá trị do mình tạo ra. Qua 15 năm thành lập và phát triển, Tập đoàn Hoa Sen đã xây dựng chuỗi lợi thế cạnh tranh cốt lõi bao gồm: Thứ nhất, có một quy trình sản xuất và kinh doanh khép kín, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao với chi phí thấp; thứ hai, phát triển hệ thống chi nhánh phân phối, bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng, quản trị hiệu quả hệ thống này; thứ ba, xây dựng thương hiệu mạnh, thân thiện, hướng đến cộng đồng, tạo được nhu cầu từ thương hiệu; thứ tư, tiên phong đầu tư mở rộng nhanh với công nghệ tốt và chi phí thấp; thứ năm, xây dựng được hệ thống quản trị chuyên nghiệp, chuẩn mực, linh hoạt, hiệu quả, thích nghi với mọi thay đổi và thách thức của thị trường. Chính nhờ những lợi thế cạnh tranh cốt lõi này, chúng tôi trở thành doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh tôn, thép hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.
PV: Từng bước khẳng định uy tín thị trường trong nước, mở rộng xuất khẩu sang thị trường khó tính châu Âu, châu Mỹ, định hướng phát triển lâu dài của Tập đoàn Hoa Sen là gì, thưa ông?
Ông Vũ Văn Thanh: Hiện tại, chúng tôi đặt mục tiêu lấy thị trường nội địa làm gốc, đặc biệt chú trọng vào thị trường miền Bắc và miền Trung, thông qua việc phát triển nhanh, mạnh, mở rộng quy mô của hệ thống phân phối bán lẻ, tối ưu hóa khả năng cung ứng các sản phẩm tôn, thép trên toàn quốc, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu của thị trường.
Trước xu thế hội nhập, chúng tôi đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tại hơn 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài những đối tác xuất khẩu truyền thống, Tập đoàn Hoa Sen còn mở rộng xuất khẩu tại những thị trường giàu tiềm năng và khó tính, có yêu cầu kỹ thuật cao như các nước châu Mỹ, châu Âu, châu Phi... Cuối tháng 2-2016 vừa qua, tập đoàn là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam xuất khẩu lô hàng 20.000 tấn tôn thành phẩm đến thị trường Hoa Kỳ. Hiện tại, chúng tôi đang phát triển nhanh, vững chắc. Hằng năm, chúng tôi luôn hoạch định chiến lược một cách rõ ràng, đưa ra các mục tiêu cụ thể, quyết tâm nhanh chóng thực hiện theo các mục tiêu đó.
Cụ thể là: đạt sản lượng 2 triệu tấn/năm, đạt doanh thu 1,5 tỷ USD, sở hữu 300 chi nhánh vào cuối năm 2018; không ngừng vươn cao vị thế và không chỉ hướng tới trở thành nhà cung cấp, phân phối vật liệu xây dựng hàng đầu khu vực Đông Nam Á mà chúng tôi còn trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề tại Việt Nam trong tương lai, khẳng định vị thế công ty tăng trưởng toàn cầu thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới 2015.
PV: Để ngành tôn, thép Việt Nam ngày càng phát triển, theo ông, cần những giải pháp gì?
Ông Vũ Văn Thanh: Môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay khá năng động và là cơ hội tốt để các doanh nghiệp bứt phá. Tuy nhiên, để thị trường tôn, thép Việt đứng vững và phát triển cần sự phối hợp, liên kết chặt chẽ từ các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng. Khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài cũng có điều kiện tiến sâu vào thị trường trong nước. Do đó, muốn trụ vững trong cuộc cạnh tranh này và đưa ngành tôn, thép Việt Nam phát triển, tôi cho rằng, trước hết, mỗi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tôn, thép, trong đó có Tập đoàn Hoa Sen, phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách cải thiện chất lượng sản phẩm để tạo uy tín, thương hiệu tôn, thép Việt. Đồng thời, chú trọng dịch vụ, giá cả cạnh tranh, thời gian giao hàng, chủ động tiếp cận người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối rộng khắp, có chiến lược xây dựng thương hiệu hợp lý. Từng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nội lực tốt để tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, nâng tầm thương hiệu tôn, thép Việt Nam vượt qua những thách thức, phát triển bền vững về lâu dài.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng nên phát huy tối đa vai trò trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thị trường tiềm năng và sát cánh với doanh nghiệp tôn, thép Việt trong việc chống lại thực trạng tôn giả, tôn nhập khẩu kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Là một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng như: Bộ Công Thương, Cục Sở hữu Trí tuệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam… và toàn xã hội sẽ cùng chung tay đẩy lùi tình trạng này, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đem đến một môi trường kinh doanh công bằng và lành mạnh cho các doanh nghiệp. Có như vậy, ngành tôn, thép Việt Nam mới có thể hội nhập, cạnh tranh được với nền kinh tế các nước trên thế giới.