Chất lượng sản phẩm: Giá trị cốt lõi để cạnh tranh

Kinh tế thị trường đồng nghĩa với quy luật cạnh tranh đã trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Điều này cũng đòi hỏi mỗi DN muốn tồn tại và phát triển phải tìm cách thích ứng với thị trường, trong quá trình sản xuất số lượng phải đi đôi với chất lượng.

Thích nghi với xu thế mới

Cạnh tranh buộc các DN phải tìm hiểu các giải pháp nâng các chất lượng sản phẩm, nói cách khác DN phải có một hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm đồng bộ. Nâng cao chất lượng sản phẩm đồng nghĩa tạo nên sức cạnh tranh cho DN.

Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh: “Để DN cạnh tranh được, cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó thu hút được khách hàng mới, giữ được khách hàng cũ, mở rộng thị trường, tạo cơ sở cho sự phát triển lâu dài của DN”. “Thực tế giá cả hàng hóa không còn là mối quan tâm duy nhất của người tiêu dùng. Do đó, chất lượng sản phẩm là giải pháp cạnh tranh hữu hiệu. Nâng cao chất lượng sản phẩm đồng nghĩa với nâng cao giá trị của sản phẩm khi sử dụng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời giảm chi phí trên một đơn vị sản phẩm nhờ hoàn thiện quy trình đổi mới, cải tiến các hoạt động, giảm lãng phí hoặc sản phẩm phải sửa chữa” - bà Lý Kim Chi cho biết thêm.

Cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, nền sản xuất hàng hóa không nghừng phát triển, mức sống con người ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về hàng hóa ngày càng trở nên đa dạng, phong phú. Do đó, nâng cao chất lượng sản phẩm không chỉ làm tăng tính năng sản phẩm, mà còn tăng độ bền, độ an toàn mỗi khi sử dụng. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng - Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển Viện Kinh tế và Quản lý TP Hồ Chí Minh: “Nâng cao chất lượng sản phẩm, không chỉ làm tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại, mà còn tạo uy tín cho DN trong việc thâm nhập thị trường, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, dễ dàng tiêu thụ sản phẩm, tạo ra doanh thu, giải quyết triệt để tình trạng sản xuất ra không tiêu thụ được dẫn đến ngừng trệ sản xuất, thiếu việc làm, gây ra khó khăn cho đời sống của người lao động. Sản xuất sản phẩm chất lượng cao, mới lạ, đáp ứng thị hiếu khách hàng sẽ tạo điều kiện cho DN tiêu thụ nhanh sản phẩm với số lượng lớn, tăng giá trị bán, thậm chí có thể giữ vị trí độc quyền đối với sản phẩm và có ưu thế riêng so với sản phẩm cùng loại”.

Và những giá trị nhận được

“Khi đó DN thu được lợi nhuận cao, sẽ có điều kiện để ổn định sản xuất, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm cho DN ngày càng có uy tín hơn, sử dụng hiệu quả hơn các yếu tố sản xuất. Khi sản xuất ổn định và lợi nhuận lớn, DN có điều kiện bảo đảm việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, làm cho họ tin tưởng và gắn bó với DN hơn, họ đóng góp hết sức mình để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt, giúp DN ngày càng phát triển, lớn mạnh” - ông Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh.
Trước xu thế hội nhập, hàng hóa sản xuất ra của mỗi DN phải cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi xuất khẩu. Nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh và góp phần khẳng định vị thế sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Dưới góc độ lãnh đạo một DN trong lĩnh vực thực phẩm, ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết: “Nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ thỏa mãn yêu cầu của người tiêu dùng đối với chính hàng hóa đó, góp phần cải thiện, nâng đời sống, tăng thu nhập thực tế của lao động, bởi vì cùng một khoản chi phí, người tiêu dùng sẽ mua được sản phẩm có giá trị sử dụng cao hơn, thuận tiện hơn”.

“Nâng cao chất lượng sản phẩm tức là đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn nguyên vật liệu, sức lao động, nguồn vốn của xã hội, giảm sức gây ô nhiễm môi trường để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Ngược lại, sản phẩm làm ra không đạt chất lượng sẽ gây khó khăn cho DN, sau là gây thiệt hại cho người tiêu dùng, không những thiệt hại về vật chất mà đôi khi còn gây thiệt hại về tính mạng. Sự phát triển của DN có được nhờ tăng chất lượng sản phẩm, nhờ hệ thống quản lý chất lượng của DN sẽ làm tăng thu ngân sách cho Nhà nước” - ông Văn Đức Mười nhấn mạnh.
 

Bình luận của bạn