Chìa khóa đưa hàng Việt vào thị trường Anh

Mặc dù Anh là một trong những thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, nhưng do chưa chú trọng quảng bá thương hiệu nên hàng Việt chỉ chiếm một phần rất nhỏ của thị trường này.

Đây là thông tin tại hội thảo “Quảng bá thương hiệu Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 9/9.

Nhiều cơ hội

Thông tin Bộ Công Thương cho thấy, hàng năm, Anh nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá khoảng 700 tỷ Bảng, nhưng kim ngạch xuất khẩu (XK) của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này chỉ đạt khoảng 5 tỷ bảng Anh, chiếm 0,5% kim ngạch nhập khẩu của Anh. Hơn nữa, sự khác biệt về cơ cấu sản phẩm XK giữa Việt Nam và Anh đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đẩy mạnh XK sang thị trường Anh, nhất là đối với sản phẩm tiêu dùng.

Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ: Hầu hết doanh nghiệp Anh tập trung sản xuất sản phẩm công nghệ cao, không chú trọng sản xuất hàng tiêu dùng. Vì vậy, Anh có nhu cầu lớn về những mặt hàng mà Việt Nam có ưu thế như: Nông lâm thủy sản, dệt may, da giày, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp…

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, nêu rõ: Riêng mặt hàng đồ gỗ hàng năm Anh nhập khẩu 5,8 - 6 tỷ bảng Anh (9,9 - 11 tỷ USD) thành phẩm và nguyên, phụ liệu đồ gỗ. Trong khi đó Việt Nam có nguyên liệu dồi dào, chất lượng sản phẩm tốt, chi phí thấp nên giá bán rẻ hơn hàng do Trung Quốc, châu Phi sản xuất… được thị trường Anh đón nhận.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn trong ngành gỗ của Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc đã ký hợp đồng hợp tác dài hạn với các nhà sản xuất Việt Nam nên nguồn hàng luôn đảm bảo. “Đến nay, Việt Nam là một trong những nước chủ lực cung ứng đồ gỗ nội thất vào Anh, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ mã số HS 940330-60, Việt Nam luôn thuộc nhóm 5 nước XK hàng đầu vào Anh kể từ năm 2006 tới nay” - bà Nguyễn Thị Hồng Thủy nêu ví dụ.

Chưa chú trọng xây dựng thương hiệu

Mặc dù Anh có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa khá lớn nhưng để có thể tăng kim ngạch XK hàng Việt sang thị trường này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham dự hội thảo đều thẳng thắn thừa nhận: doanh nghiệp Việt Nam rất yếu trong khâu quảng bá thương hiệu, hình ảnh nên sản phẩm ít được người tiêu dùng tại nhiều thị trường trên thế giới biết đến.

Riêng tại thị trường Anh người tiêu dùng mới chỉ biết tới thương hiệu Vietnam Airline, Bia Saigon… Để đưa thương hiệu thâm nhập vào thị trường Vương quốc Anh, ông Saby Mishra - CEO Công ty Quảng cáo J.Water Thompson Việt Nam chia sẻ: Mặc dù Anh là nước có nền kinh tế mở nhưng hàng XK vào thị trường này lại chịu sự kiểm soát khá gắt gao về các tiêu chuẩn kỹ thuật, An toàn thực phẩm... doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Anh phải đảm bảo ít nhất ba vấn đề: Tiêu chuẩn hóa, sức khỏe và môi trường.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu tại thị trường Anh, Bộ Công Thương đã đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp
khai thác lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do; Cùng các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu tại thị trường XK truyền thống và tiềm năng.

Mặc dù các bộ, ngành luôn hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động XK hàng Việt ra thị trường thế giới nhưng để sản phẩm Việt lan tỏa khắp thế giới đòi hỏi chính bản thân doanh nghiệp xây dựng được chiến lược thương hiệu. Từ đó tạo ra “khác biệt hóa” sản phẩm, thương hiệu… Đây là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu Việt trên thế giới.

Bình luận của bạn