Chợ truyền thống thưa vắng hàng Việt
Đến nay, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trở thành phong trào lớn, rộng khắp. Tuy nhiên tại các chợ truyền thống, lượng hàng hóa do Việt Nam sản xuất còn thưa vắng, đặc biệt là những mặt hàng Việt Nam chất lượng cao.
Đến một số chợ ở khu vực nông thôn không dễ tìm được những mặt hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng lại dễ dàng mua được những mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo những người bán hàng ở đây thì do nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn thường chọn mua hàng rẻ tiền, ít quan tâm đến xuất xứ, chất lượng và nhãn hiệu hàng hóa… nên họ vẫn chưa mặn mà với hàng Việt Nam chất lượng cao. Bà Nguyễn Thị Hạnh chuyên bán quần áo tại chợ Dâu (Thuận Thành) cho biết: “Hàng bán chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, các sản phẩm này chỉ có giá từ 40 - 100 nghìn đồng, người bán có lãi ít hơn nhưng lượng hàng bán ra nhanh hơn, hợp thị hiếu, vừa túi tiền người nông dân. Còn nhập hàng Việt, vốn đầu tư nhiều nhưng lãi thu về vẫn không cao, lại khó bán…”. Những người bán quần áo, giày dép, túi xách, xoong, chảo và các loại quạt, máy xay sinh tố, nồi cơm điện, bếp gas, bếp điện… tại chợ này cũng thừa nhận, hầu hết là hàng trong nước và hàng nhập từ Trung Quốc không thương hiệu bán với giá rẻ nhưng rất chạy. Còn hàng Việt, nhất là hàng Việt Nam chất lượng cao thì rất hiếm, trừ khi khách đặt hàng mới lấy về bán vì màu sắc, mẫu mã đơn điệu trong khi giá lại cao hơn nhiều so với hàng Trung Quốc nên ít người mua.
Quần áo bày bán tại các chợ truyền thống chủ yếu là hàng trong nước và hàng nhập từ Trung Quốc không thương hiệu.
Không chỉ chợ Dâu, tại các chợ trung tâm huyện như: Quế Võ, Gia Bình, Lương Tài… hàng Việt Nam chất lượng cao cũng khá thưa thớt. Lý do mà các tiểu thương ở chợ truyền thống chưa mặn mà với hàng Việt là còn khá nhiều rằng buộc với các nhà sản xuất, như: Phải có hóa đơn tài chính, thủ tục hợp đồng, thanh toán tiền hàng thiếu linh hoạt..., trong khi bán hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt hàng Trung Quốc lợi nhuận tốt, mẫu mã nhanh thay đổi và giá linh động.
Ngoài ra còn những lý do tiện lợi khác như hàng được giao tận nơi thay vì phải đi lấy… Thời gian gần đây, một số tiểu thương ở các chợ truyền thống muốn bán hàng Việt nhiều hơn, bởi hàng Trung Quốc đang bị người tiêu dùng tẩy chay ở một số ngành hàng như: Thực phẩm, quần áo, đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe…. Tuy vậy, họ lại chưa biết lấy ở đâu để bán. Đây cũng là việc mà các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng Việt cần nhìn lại nếu muốn tiến vào chợ truyền thống. Cẩn thận lựa chọn sản phẩm, chị Nguyễn Thị Phương, xã Lãng Ngâm (Gia Bình) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thường mua các đồ gia dụng như nồi cơm điện, bát đĩa, hay quần áo của Trung Quốc vì giá rẻ hơn hàng Việt Nam nhưng sử dụng một thời gian thấy nhanh hỏng, chất lượng kém. Nay tìm hiểu, thấy mẫu mã các sản phẩm hàng hóa trong nước khá đẹp, giá phù hợp, nhất là chất lượng được nâng lên nhiều cho nên tôi chuyển sang dùng các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Nhưng để mua được những sản phẩm đó cũng không dễ chút nào, phải lên tận chợ huyện, thậm chí chợ tỉnh mới mua được…
Trên thực tế, hàng hóa đến tay người tiêu dùng chủ yếu vẫn qua hệ thống chợ và các cửa hàng bán lẻ. Lượng hàng phân phối thông qua các kênh như siêu thị, cửa hàng chủ yếu được thực hiện tại thành phố, thị xã, còn lại là do nhà sản xuất trực tiếp bán thẳng ra thị trường. Tuy nhiên, hệ thống bán lẻ của các DN tại khu vực nông thôn chưa được chú trọng đầu tư, có những nơi còn bị bỏ quên, đã tạo cơ hội cho các mặt hàng Trung Quốc, hàng không rõ nguồn gốc, giá rẻ, chất lượng thấp chiếm lĩnh. Theo ông Nguyễn Xuân Chín, Phó Giám đốc Sở Công Thương: “Chợ truyền thống chiếm khoảng 70% người tiêu dùng ở phân khúc bình dân nên sức tiêu thụ hàng khá mạnh. Với độ bao phủ rộng và thông tin của tiểu thương nhanh đến với người tiêu dùng thì chợ truyền thống đang là cơ hội tốt để hàng Việt chiếm lấy thị trường. Các DN trong nước muốn tiến sâu vào chợ truyền thống cần phải “bắt tay” nhau để cùng bán hàng vào đây và có chương trình truyền thông chợ tốt hơn. DN cũng cần hỗ trợ cho tiểu thương các hoạt động như khuyến mãi, cách chăm sóc khách hàng khi đó chủ các quầy hàng ở chợ sẽ tin tưởng và cố gắng hơn trong việc tiêu thụ hàng…”.