Chọn hàng Việt vì mẫu mã mang bản sắc quê hương

Nhiều vùng cao trên dãi đất hình chữ S thân thương vẫn còn thiếu nơi buôn bán hàng Việt cho bà con. Những nơi sâu xa của các bản làng vẫn vắng bóng hàng tiêu dùng Việt.

“Gửi tới những doanh nhân có tấm lòng nhân ái với người dân Việt!”

Hẳn quý vị không mấy ngạc nhiên khi nhận được lá thư này từ tôi. Bởi, với công việc hằng ngày của quý vị, thư từ như một lẽ thường tình. Vâng, những dòng chữ này là tất cả những suy nghĩ chân tình từ tận đáy lòng tôi. Tôi luôn trân quý và cảm phục những điều tốt đẹp mà quý vị đã đề ra cho những con người sống trên dãi đất hình chữ S Việt Nam này, cũng như ngoài hải đảo xa xôi.

Quý vị kính mến! Mấy năm gần đây, tôi đọc thấy nhiều trang báo viết về hàng tiêu dùng của đất nước mình. Không dừng lại trên những điều với tên gọi thật kêu: “kinh tế”, “vĩ mô”, hay “lợi nhuận”,… nhiều người đã nỗ lực mang thương hiệu Việt đến với bạn bè quốc tế bằng những thứ gần gũi nhất, nhằm sánh vai với cường quốc năm châu. Như nàng hoa hậu H’hen Niê mang quốc phục “bánh mì” đến với đấu trường sắc đẹp; năm nay, á hậu Hoàng Thùy cũng mang hình ảnh cà phê đến với cuộc thi ấy để giới thiệu nét đẹp của đất nước chúng ta cho bạn bè quốc tế. Vì những lẽ trên, tôi nghĩ mình phải viết đôi điều gì đó để chia sẻ niềm tự hào dân tộc cũng như bộc bạch tâm tư với quý vị về hàng tiêu dùng của đất nước Việt Nam mình.

Cũng chính khoảng thời gian này năm trước, tôi được dịp đi thiện nguyện tại một ngôi làng dân tộc Raglai. Nơi vùng đất ấy, cái nghèo vẫn bao trùm mọi thứ, từ đất đá, lương thực đến cả con người. Phần quà chúng tôi chuẩn bị cho họ chỉ vỏn vẹn những nhu yếu phẩm: gạo, mì tôm, nước mắm, bột ngọt… và một khoản tiền nho nhỏ. Hôm cùng mọi người chuẩn bị hàng hóa, tôi nghe các chị em phụ nữ trong đoàn chuyện trò về hàng hóa của người Việt. Chị em nói vài câu làm tôi ấm lòng: “Xuất xứ Việt Nam là an tâm rồi, không lo nhiễm độc”. Tôi băn khoăn với câu nói ấy, nhưng cũng hiểu phần nào!

Rồi hôm đến với bà con Raglai, tôi hạnh phúc biết bao khi ai ai cũng nói cười với món quà nhỏ trên tay. Tôi vòng quanh khuôn viên phát quà và nghe những mẫu chuyện rời rạc. Ấn tượng với tôi là những câu chữ thân thương của nhóm người phụ nữ sắc tộc. Họ nói với nhau bằng tiếng Raglai, kèm theo vài từ ngữ tiếng Kinh mà tôi có thể hiểu: “Sản xuất tại Việt Nam nha!”. Tôi tò mò với câu chuyện dang dở, tôi vội đáp lời: “Cái này chúng em mua tại các siêu thị trên phố, hàng Việt không hà!”. Nghe câu nói của tôi, họ cười tíu tít. Một chị đáp lại lời tôi: “Trước giờ bọn tao toàn xài mấy thứ đâu có bọc đẹp như thế này, tụi bán nói hàng nước ngoài nên không có tiếng Việt gì cả!”. Tội ngộ ra nhiều thứ từ những lời của chị ấy. Có lẽ, họ đơn sơ và nhẹ dạ quá chăng? Hàng hóa không nhãn mác, hàng nhập lậu vẫn ồ ạt trên thị trường bấy lâu nay. Vì món lợi cá nhân mà nhiều người đan tâm làm hại chính bà con mình. Tôi tự hỏi: dẫu họ không cùng sắc tộc, nhưng họ vẫn là một người công dân Việt Nam cơ mà! Sao những con người khác lại có thể?

Tôi kể lại câu chuyện trên đây bởi những sự thật vẫn đang diễn ra trước mắt. Có thật tâm. Có phũ phàng. Với thật tâm, tôi chọn hàng Việt vì phù hợp với túi tiền của bản thân, vì hợp vị với chính mình. Tôi chọn hàng Việt vì mẫu mã mang bản sắc quê hương và hơn cả vì tôi là người Việt Nam. Dẫu vậy, còn đó là một sự thật đầy phũ phàng. Nhiều vùng cao trên dãi đất hình chữ S thân thương vẫn còn thiếu nơi buôn bán hàng Việt cho bà con. Những nơi sâu xa của các bản làng vẫn vắng bóng hàng tiêu dùng Việt. Trong số những anh chị em sắc tộc, có nhiều người cũng lặn lội đến với miền xuôi, như muốn hòa mình với nền văn minh của đất nước. Dẫu vậy, khoảng cách giàu nghèo, sự tự ti vì là người sắc tộc đã làm đôi chân họ chùn bước. Em gái tôi - một nhân viên bán hàng của Bách Hóa Xanh chia sẻ: “Người đồng bào vào siêu thị, họ để dép bên ngoài đấy Hai!”. Chỉ một hình ảnh thôi nhưng đủ làm trái tim tôi rung động. Họ đơn sơ. Họ nghèo. Nhưng họ là người Việt Nam. Họ vẫn được hưởng đủ mọi quyền lợi của người Việt Nam. “Sản xuất tại Việt Nam nha!”, chỉ một câu nói của người phụ nữ miền cao, nhưng tôi thấy rõ niềm tự hào dân tộc nơi họ. Nhưng, niềm tự hào ấy chỉ lóe lên trong giây lát và dễ dàng bị dập tắt, bởi những người xấu vẫn lợi dụng cái đơn sơ của người đồng bào để trục lợi cho bản thân.

Thưa quý vị! Tôi sánh ví sản phẩm Việt như ánh nắng ngập tràn của thiên nhiên. Ánh nắng ấy đẹp, long lanh và cần thiết. Dù nằm trên tán cây vươn cành ra xa hay khuất lấp tận bên trong thì mọi chiếc lá của “cây xanh chữ S” đều cần đến ánh nắng để quang hợp. Nhờ vậy, cây xanh ấy mới có thể phát triển và đơm hoa kết quả. Nhưng, còn đó là những con sâu, những rầy bọ ẩn mình để làm hại cây xanh đang cần mẫn vươn mình.

Với khả năng của riêng tôi, tôi đến với những chiếc lá cách xa ánh nắng bằng những món quà bé nhỏ. Tôi tin ánh nắng huy hoàng ấy thật tốt và hữu ích. Với quý vị, tôi tin quý vị sẽ làm được nhiều điều hơn tôi. Bởi cương vị của quý vị hiện tại hay tài năng của quý vị đáng để tôi nể trọng và đặt trọn niềm tin. Mang hàng Việt đến với bà con vùng cao không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu của họ. Nhưng khi thực hiện hành động ấy, chính quý vị đã thu dần khoảng cách mặc cảm của những người anh em dân tộc thiểu số này.

Tôi viết thư này gửi đến quý vị với ước mong: những thùng tiền nhân ái trong các siêu thị có thể thay đổi bằng những món đồ thân thương dành tặng cho bà con đồng bào. Các gian hàng trao đổi hàng hóa được tạo nên tại các vùng cao, vùng sâu của người dân tộc thiểu số (trao đổi trái cây, lương thực,… làm nguồn cung cho các siêu thị) để họ có thể quen dần với những điều văn minh. Nếu có thể, những mô hình cửa hàng tiện lợi xanh - sạch chuyên biệt dành cho anh chị em đồng bào sẽ được dựng nên tại mảnh đất của riêng họ. Đồng thời, những chính sách ưu tiên về mặt giá cả cũng được đề ra để họ có thể tiếp cận hàng Việt dễ dàng hơn. 

Tôi đã đến và sẻ chia cùng họ, tôi tin quý vị - những con người có tâm lòng nhân ái với người dân Việt cũng sẽ hành động như tôi. Bởi chúng ta cùng chảy trong mình dòng máu Lạc Hồng, từ bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ.

Bình luận của bạn