Chứng nhận thương mại công bằng: Cơ hội giúp doanh nghiệp Việt tạo sự khác biệt

“Thương mại công bằng (TMCB) giúp doanh nghiệp và người sản xuất dễ dàng được nhận biết bởi đáp ứng yêu cầu cao hơn về sản xuất và kinh doanh một cách công bằng. Sự khác biệt này dựa trên cam kết và những yếu tố cực kỳ khó khăn cho những người muốn cạnh tranh.” Đây là khẳng định của bà Cristine Gent - Giám đốc Tổ chức Thương mại công bằng thế giới (WFTO) khu vực châu Á.

TMCB ra đời hướng tới lợi ích của người nông dân thời hội nhập, đem tới mức giá công bằng và ổn định cho sản phẩm của họ, đồng thời đảm bảo các yếu tố môi trường và mục tiêu phát triển bền vững. Đây là một thương hiệu toàn cầu hỗ trợ nhận diện người sản xuất, giúp những nhà sản xuất nhỏ phát triển một cách bền vững bằng cách tạo dựng mối quan hệ thương mại trực tiếp giữa các quốc gia, hỗ trợ những nhà sản xuất nhỏ tiếp cận được thị trường quốc tế, đảm bảo cho họ mức thu nhập xứng đáng với công sức bỏ ra.

Tại Việt Nam, tiềm năng chứng nhận TMCB trong các ngành chè, cà phê, ca cao, gia vị, thủ công mỹ nghệ… còn rất lớn. Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng đó, cần sự chung tay của cả cộng đồng, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, nhà kinh doanh, nhà ra chính sách…. Dự án “Xúc tiến thương mại công bằng tại Việt Nam” được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu từ tháng 6/2014 đến tháng 5/2017, hướng tới phát triển và tăng cường khả năng kinh doanh TMCB ở Việt Nam tuân thủ các yêu cầu tiếp cận thị trường châu Âu. Với sự chủ trì của Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, hướng tới đối tượng hưởng lợi là các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, các nhà sản xuất trong 5 ngành: chè, cà phê, ca cao, gia vị, thủ công mỹ nghệ, các viện nghiên cứu và cán bộ làm chính sách, dự án đã thu hút được các đơn vị đồng thực hiện: Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Đến nay, dự án đã hoàn thành việc đánh giá và công bố báo cáo đánh giá hiện trạng, tiềm năng phát triển TMCB đối với 5 nhóm ngành nói trên; xây dựng mạng lưới giảng viên về TMCB là thành viên các hiệp hội và cán bộ xúc tiến thương mại địa phương; tiếp tục tổ chức đào tạo cho DN về nhãn hàng TMCB, kết nối DN với nhà cấp nhãn; xây dựng tài liệu, sổ tay, sổ hướng dẫn các DN về đăng ký chứng nhận TMCB; lựa chọn DN để hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để đạt được chứng nhận và xúc tiến thương mại; xây dựng trang web về TMCB www.fairtrade.org.vn; thiết lập mạng lưới chính sách và tổ chức diễn đàn chính sách nhằm xúc tiến TMCB tại Việt Nam. Vừa qua, dự án đã khai trương cửa hàng giới thiệu sản phẩm TMCB đầu tiên tại 91 Âu Cơ - Hà Nội và đang xúc tiến khai trương 2 cửa hàng nữa tại Huế và Hội An.

Tính đến nay, Việt Nam mới chỉ có 11 DN cà phê, 4 DN chè và 5 DN thủ công mỹ nghệ đạt chứng nhận TMCB (từ 2 tổ chức WFTO và FLO). Trong thời gian tới, dự kiến sẽ có trên 10 DN được dự án hỗ trợ để đạt được chứng nhận này. Các DN TMCB cũng sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài nước.

Hiệp hội chè Việt Nam (Vitas) cho biết: Đa số DN tham gia điều tra của Vitas đều muốn tham gia chứng nhận TMCB nếu có điều kiện. Hai khóa đào tạo do dự án tổ chức vừa qua đã thu hút gần 100 đại biểu đến từ các đơn vị trong ngành tham gia. Riêng với các DN ngành cà phê, sau khi được chứng nhận TMCB, các DN đã cơ bản mở rộng được thị trường, bán được từ 15-40% sản lượng cà phê theo kênh TMCB.

Ngày nay, người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng châu Âu sẵn sàng trả giá cao hơn cho một mặt hàng nếu mặt hàng đó có nguồn gốc rõ ràng, không gây tác động tiêu cực đến xã hội và môi trường. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu được ký kết sẽ tạo cơ hội áp dụng TMCB, giúp hàng hóa của Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với người tiêu dùng châu Âu. Vấn đề còn lại ở đây là cần tuyên truyền rộng rãi tới DN về TMCB; hỗ trợ DN đạt được chứng nhận và tìm kiếm thị trường, khách hàng bền vững; khuyến khích hình thành mạng lưới TMCB Việt Nam./.

Bình luận của bạn