Cơ hội phát triển thuốc dược liệu vì người Việt

Mục tiêu chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước; thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%. Đây là một trong những cơ hội để các doanh nghiệp phát triển thuốc dược liệu.

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” do Bộ Y tế phát động, Công ty cổ phần Traphaco là một trong những đơn vị đi tiên phong trong chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt”. Chương trình đã góp phần quan trọng tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để thầy thuốc và người dân tin tưởng vào chất lượng thuốc Việt, ưu tiên lựa chọn sử dụng thuốc Việt được đầu tư nghiên cứu khoa học, đảm bảo chất lượng và tính hiệu quả cao trong điều trị với chi phí thấp hơn thuốc ngoại.

co hoi phat trien thuoc duoc lieu vi nguoi viet hinh anh 1

Vùng trồng actiso tại Sa Pa (Lào Cai) của Công ty cổ phần Traphaco. Ảnh: T.L

Tại Việt Nam, nhu cầu dược liệu trong nước khoảng gần 60.000 tấn/năm, trong đó, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được cho thị trường khoảng 15.600 tấn/năm, phần còn lại (khoảng 70%) phải nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Singapore… Việc nguồn gốc, chất lượng dược liệu nhập khẩu theo con đường tiểu ngạch đang bị thả nổi khiến các nhà quản lý, các doanh nghiệp dược liệu rất lo ngại.

 

 

Lựa chọn con đường phát triển thuốc từ dược liệu với mục tiêu bền vững “Con đường sức khỏe xanh”, Traphaco kiên định với chiến lược hiện đại hóa nền y học cổ truyền, nghiên cứu và phát triển các kinh nghiệm nền y học cổ truyền Việt Nam, khai thác sử dụng và có bảo tồn nguồn dược liệu Việt Nam, đem lại những sản phẩm mang tính hiện đại và giàu giá trị truyền thống, đáp ứng cho người tiêu dùng loại dược phẩm chất lượng cao.

Tại buổi làm việc ngày 29.10 vừa qua, sau khi kiểm tra dây truyền sản xuất của Công ty cổ phần Traphaco, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đánh giá cao nỗ lực của đơn vị này trong phát triển thuốc Việt với hàng trăm ha diện tích trồng dược liệu sạch, xây dựng nhà máy chiết xuất dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP, tạo công ăn việc làm cho bà con vùng bản địa. Đặc biệt, đơn vị có đến 5 sản phẩm được vinh danh “Ngôi sao thuốc Việt”. Đây là những thành quả đáng ghi nhận, cần khuyến khích đầu tư những doanh nghiệp điển hình như Traphaco.

Ông Trần Trúc Mã - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco chia sẻ: Traphaco đã trở thành công ty sản xuất đông dược lớn nhất ở Việt Nam và là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành dược với doanh thu 9 tháng đầu năm 2016 là 1.500 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, theo ông Mã, các sản phẩm đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” của Bộ Y tế là các sản phẩm có chất lượng tốt, bán chạy tại các hiệu thuốc bên ngoài nhưng trong các bệnh viện công, việc đấu thầu các sản phẩm này rất khó khăn.

Nguyên do chi phí đầu tư cho chất lượng cao hơn như chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào có chứng nhận của Bộ Y tế cấp, nghiên cứu khoa học đầy đủ và bài bản, hệ thống sản xuất công nghệ cao, dẫn đến giá thành cao. Đề nghị Nhà nước chọn một số doanh nghiệp có năng lực để đầu tư mạnh mẽ, hỗ trợ đảm bảo xây dựng mô hình phối hợp “bốn nhà”, tạo dựng vùng sản xuất lược liệu, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, cung cấp dược liệu tốt, ổn định cho công nghiệp dược, y học cổ truyền và xuất khẩu, tổ chức phát triển các vùng trồng cây thuốc có nhu cầu sử dụng cao...

Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới đang có xu hướng “trở về thiên nhiên”  thì việc sử dụng các thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng tăng so với việc sử dụng thuốc tân dược, bởi ít tác hại hơn và phù hợp với quy luật sinh lý của cơ thể hơn.

Ông Trương Quốc Cường-Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết: Luật Dược (sửa đổi)  đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1.1.2017, trong đó đưa ra một loạt chính sách, giải pháp nhằm khôi phục vị thế cho dược liệu, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền Việt Nam. Tăng cường quản lý, phát triển dược liệu là vấn đề cấp bách vừa lâu dài mà Luật Dược (sửa đổi) đã tạo tiền đề để ngành dược phát huy vai trò, vị trí trong thời gian tới.

Nếu Việt Nam phát triển thành công một số loài cây dược liệu, cho ra vài trăm sản phẩm chất lượng cao sẽ giúp ngành dược phát triển mạnh mẽ, hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này đồng thời góp phần cải thiện kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đúng như tiêu chí của đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” do Bộ Y tế phát động.

Bình luận của bạn