Cơ hội phát triển tre luồng

Tre luồng được xem là loại cây có giá trị, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, đặc biệt là người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa ở Thanh Hóa.

Khó khăn trong khai thác, chế biến

Hiện Việt Nam có 1,4 triệu ha tre luồng với trữ lượng hàng tỷ cây; trong đó vùng nguyên liệu tre luồng có thể sử dụng chế biến công nghiệp tập trung ở các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An... Theo báo cáo của chương trình Tre Mekong, năm 2011 Việt Nam có khoảng 350 doanh nghiệp chế biến tre luồng, kim ngạch xuất khẩu mây tre đan ước đạt 280 triệu USD và các sản phẩm này có mặt tại hơn 120 quốc gia trên thế giới. Song việc phát triển ngành hàng tre luồng công nghiệp hiện đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đó là thách thức trong việc xác định cơ cấu sản phẩm, khả năng đầu tư hỗn hợp trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; thách thức trong việc xác định thị trường và xây dựng thương hiệu...

alt

Tre luồng được dùng để sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Lê Bá Liễu – TTXVN

 

Là tỉnh có diện tích tre luồng lớn nhất cả nước với hơn 204.000 ha với khoảng 200 triệu cây tập trung tại các huyện Quan Hóa, Lang Chánh, Quan Sơn, Ngọc Lặc... nhưng việc phát triển và khai thác tre luồng tại Thanh Hóa cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Chất lượng rừng luồng ở Thanh Hóa đang có xu hướng suy giảm, ngành công nghiệp chế biến có công nghệ lạc hậu; sản phẩm đơn giản, chất lượng thấp, mẫu mã lạc hậu, chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa. Trong khi đó nguồn đầu tư để phát triển tre luồng ở Thanh Hóa chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước trong khi ngân sách của tỉnh còn khó khăn.

Hiện trên địa bàn Thanh Hóa mới có 47 doanh nghiệp và nhà máy chế biến che luồng hoạt động với những sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như: Bột giấy, vàng mã, đũa tre, nan tre... Một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất than tre và đồ nội thất để phục vụ xuất khẩu nhưng quy mô sản xuất cơ bản là nhỏ và trung bình.

Lồng ghép vào chương trình tăng trưởng xanh

Vài năm trở lại đây, đã có nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế dành sự quan tâm cho lĩnh vực chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, trong đó tre luồng được xem là một loài cây vừa bảo vệ môi trường, vừa có tác dụng chống biến đổi khí hậu. Hiện nay Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua qua Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam đang hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa xây dựng kế hoạch phát triển ngành tre luồng cho tỉnh Thanh Hóa. Đây chính là cơ hội để tỉnh tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ để phát triển ngành nghề tre luồng và hướng tới việc phát triển bền vững ngành tre luồng.

Phát biểu tại Hội thảo hợp tác quốc tế phát triển tre luồng tỉnh Thanh Hóa" (diễn ra trong 2 ngày 9 - 10/9), ông Christopher Abrams - Giám đốc Văn phòng Môi trường và Xã hội (USAID) nhấn mạnh, trong những năm qua, USAID coi Thanh Hóa là đối tác quan trọng trong dự án phát triển tre luồng ở Việt Nam. Xu hướng của thế giới về sử dụng các sản phẩm tre luồng thay thế sản phẩm từ gỗ ngày càng rõ rệt. Là tỉnh có diện tích tre luồng lớn nhất cả nước, Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, nhưng cần có chiến lược lâu dài để lồng ghép phát triển lĩnh vực tre luồng vào chương trình tăng trưởng xanh cũng như chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian tới, USAID cam kết sẽ hỗ trợ, hợp tác với Thanh Hóa để phát triển lĩnh vực tre luồng, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và góp phần nâng cao đời sống người dân.

Ông Mark Fenn, Trưởng đại diện tổ chức Winrock International tại Việt Nam, đồng giám đốc Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD) cũng khẳng định Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ Thanh Hóa phát triển lĩnh vực tre luồng cả về tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ về thị trường cũng như kêu gọi các nhà đầu tư cùng tham gia. Ông Mark Fenn mong muốn sau hội thảo này sẽ có thêm nhiều tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực tre luồng ở Thanh Hóa.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ

 
Bình luận của bạn